Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận nói sự kiện 1 nữ sinh bị 10 bạn đánh hội đồng ở bãi biển là một thất bại của giáo dục địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Xử nhau giữa chỗ đông người mà không ai can
Ảnh chụp từ clip được phát tán trên mạng |
Ngày 20/2, tại Bình Thuận, dư luận xôn xao khi xuất hiện một video clip dài hơn 8 phút, quay bằng điện thoại di động cảnh một nhóm nữ sinh mặc đồng phục đánh đấm, nhục mạ một bạn gái khoảng 13 tuổi.
Vụ việc diễn ra trên một bãi biển ở Bình Thuận. Nữ sinh với vóc người nhỏ thó, mặc áo thường phục bị một bạn nữ cùng tuổi, mặc áo đồng phục một trường THCS, khoác bên ngoài áo khoác sẫm màu chất vấn và tát vào mặt, đạp vào bụng.
Không chỉ cổ xúy cho hành động đánh bạn, một số nữ sinh trong nhóm sau đó cũng tham gia đánh hội đồng. Rất đông thanh thiếu niên đã không có hành động can ngăn khi chứng kiến cảnh đánh nhau này.
Ông Nguyễn Ngọc Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, tỉnh Bình Thuận cho biết, nữ sinh đánh bạn tên là Uyên, học sinh lớp 8 của trường.
Ngày 21/2, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu số học sinh tham gia đánh bạn trong video clip trên tường trình vụ việc.
Cùng ngày, ông Mai Xuân Bá, Giám đốc Sở GD - ĐT, đã làm việc với Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong, đến thăm em Dương Thị Lý (học sinh lớp 7, Trường THCS Võ Thị Sáu), nạn nhân bị đánh hội đồng.
Xác định được nhóm nữ sinh đầu gấu đánh bạn
Công an thị trấn Phan Rí Cửađã vào cuộc và xác định được danh tính khoảng 10 nữ sinh Trường THCS Võ Thị Sáu tham gia đánh bạn và quay video clip.
Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Ngọc Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, cho hay:
“Vụ việc xảy ra rất đáng tiếc, đánh nhau có tổ chức, bàng quan, không can thiệp và bản thân tôi không nghĩ học sinh lại có hành vi bạo lực đến mức như vậy. Phía trường đang phối hợp với công an tiếp tục điều tra sự việc”.
Theo ông Phước, Trường THCS Võ Thị Sáu có ít nhất 10 học sinh tham gia trong nhóm này, Trường THCS Trần Quốc Toản có 4 học sinh, trong đó có 2 chị em song sinh..
Riêng vụ đánh nhau, có 4 em là Lê Như Thảo Uyên (biệt danh chị ba đầu gấu, sinh 1996, lớp 8/6), Nguyễn Thị Bích Tuyền (lớp 8/6, người quay phim), Võ Thị Minh Thư Viện (lớp 8/6), và Yến (biệt danh Yến lùn, lớp 8/3).
Ông Phước cho biết: “Uyên không phải là học sinh cá biệt, chỉ nói chuyện riêng, không thuộc bài. Bản thân tôi là bạn của mẹ em Uyên, tôi cũng nhiều lần đến nhà gặp mẹ nữ sinh này để khuyên bảo. Để xảy ra sự việc này, bản thân tôi cũng một phần trách nhiệm. Chuyện xảy ra bên ngoài trường là ngoài ý muốn” (?!).
Thất bại của ngành giáo dục địa phương
Theo ông Bá, không loại trừ các em bị tác động bởi môi trường xã hội, muốn chứng tỏ bản lĩnh thì phải xử lý thích đáng, đảm bảo tính công bằng.
Về góc độ giáo dục, ông Bá cho biết: “Đây là một thất bại của ngành giáo dục của địa phương, ít nhất trong bộ phận học sinh. Vì đây là vụ đánh nhau không bình thường, có người xem, người cổ vũ, gây nên thực trạng vô cảm, rất đáng lo ngại”.
Ngay sau buổi làm việc, ông Mai Xuân Bá đến nhà nữ sinh Dương Thị Lý để thăm hỏi, động viên. Đồng thời, gặp gỡ phụ huynh và nữ sinh Nguyễn Thị Thu Diễm (Diễm đã từng bị nhóm này đánh 7 lần). Tại đây, Diễm cũng thuật lại câu chuyện bị đánh nhiều. Diễm cho biết thêm, vì lo sợ nên đã phải nghỉ học, dù Diễm không phải là học sinh yếu.
Nghe xong, ông Bá bất ngờ và khá sốc trước thông tin này. Sau đó, ông Mai Xuân Bá đã động viên gia đình khuyên Diễm quay lại trường học và yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Võ Thị Sáu lập tức tạo điều kiện tốt nhất để Diễm quay lại trường học.
Nguồn tin từ cơ quan công an địa phương, đã xác định một đối tượng bịt mặt có tên thường gọi Ba Lác (ở Phan Rí Thành, Bắc Bình) có mặt trong vụ đánh nhau được ghi lại trong clip.
Còn người dân địa phương cho biết, nhóm Uyên thường giao du với nhóm thanh niên của “Ba Lác”. Dư luận đang quan tâm, liệu có phải các nhóm bên ngoài này đã tác động đến nhóm nữ sinh này để gây ra nhiều vụ đánh nhau hay không?!
Ông Bá cho biết: “Đây không còn là vụ đánh nhau đơn thuần nữa. Rất may vụ việc được phát hiện kịp thời, giúp cho ngành giáo dục kịp thời chấn chỉnh và hiểu rõ hơn về thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra ngấm ngầm tại các trường học”.
- Tú Uyên (Tổng hợp từ Pháp luật TP.HCM và báo Bình Thuận)
Tôi thiết nghĩ hành động mà các em gây ra không còn là hành động của một học sinh nữa. Chúng ta cần nghiêm trị thật nghiêm khắc để răn đe và làm gương cho những học sinh khác. Phải làm đến cùng kể cả trách nhiệm trước pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét