Chạy đua với giáo án điện tử

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 21/12/2010, 17:41 (GMT+7)

Giáo án điện tử là hiện đại?

TTO - Hiện nay, có rất nhiều người lầm tưởng dạy học bằng giáo án điện tử đồng nghĩa với phương pháp giáo dục chủ động, giáo dục hiện đại, và nghĩ mình dạy học bằng giáo án điện tử đồng nghĩa với hiện đại. Suy nghĩ đó có đúng không?

>> Chạy đua với giáo án điện tử
>>
Ồ ạt màn hình LCD trong lớp học

Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG

Giáo án điện tử, suy cho cùng, đó chỉ là một phương tiện giảng dạy với mục đích làm cho bài học sống động hơn, có nhiều ví dụ thực tế trực quan hơn, và nếu biết phát huy thì rõ ràng sẽ thu hút học sinh hơn.

Ví dụ, trong môn lịch sử, khi nói về Điện Biên Phủ, với giáo án điện tử, các học sinh được xem những hình ảnh, những phim tư liệu… nói về Điện Biên Phủ xưa và nay. Trong môn sinh vật, khi học về một loài động vật nào đó, các em được xem những hình ảnh trực quan về động vật đó... Có như thế giáo trình điện tử sẽ phát huy được ưu thế so với giáo án truyền thống.

Thế nhưng, nếu cho rằng giáo án điện tử là có thể thay thế tất cả thì đó lại là sai lầm. Giáo án điện tử chỉ phát huy tác dụng khi người sử dụng (người thầy) phải thật sự giỏi chuyên môn, kết hợp linh hoạt giữa hình ảnh và khả năng thuyết trình, gợi mở - năng lực làm chủ buổi thuyết giảng với sự tham gia tích cực của học sinh.

Một bài giảng có hay đến cỡ nào nhưng thiếu những ví dụ mang tính trực quan rõ ràng chưa đủ. Mặt khác bài giảng có đầy những hình ảnh trực quan, thế nhưng người thầy không đủ sức liên kết, khai thác một cách hợp lý các ví dụ ấy, nhiều khi học sinh còn rối thêm; chẳng hiểu bản chất của vấn đề mà chỉ thấy bề ngoài của những ví dụ trực quan một cách thoáng qua.

Một vấn đề khác cần đề cập đến, đó là năng lực hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật trình chiếu. Một trong những nguyên tắc của trình chiếu PowerPoint là “8 x 8”. Có nghĩa là một khi sử dụng phương pháp trình chiếu khi thuyết giảng (trong điều kiện kích cỡ màn hình phổ thông như hiện nay là 2m x 2m) thì số lượng người tối đa không quá 64 người (8x8); màn hình không quá 8 dòng chữ, mỗi dòng không quá 8 từ.

Nguyên tắc này đảm bảo tất cả mọi người có thể nhìn rõ những gì diễn ra trên màn hình. Muốn như vậy, người thầy phải có khả năng khái quát các nội dung chủ yếu của bài học trước khi trình chiếu, tránh trường hợp đưa nguyên một trang Word lên màn hình với những dòng chữ li ti (đây là hiện tượng phổ biến hiện nay).

Ngoài ra, một hiện tượng phổ biến khác là khi người thầy giảng bài bằng giáo án điện tử thường đứng “chết” tại máy tính và hoàn toàn lệ thuộc vào nội dung giáo án. Đây là điều tối kỵ. Một buổi học sống động khi có sự kết nối giữa thầy giáo với học sinh. Việc đứng một chỗ rõ ràng làm hạn chế sự gần gũi giữa thầy và trò.

Người thầy chỉ nên sử dụng phương pháp trình chiếu khi cần thiết, không phải bài giảng nào cũng cứ chiếu hình.

Tôi đã từng học những người thầy, mặc dù không có giáo án điện tử, nhưng vẫn cuốn hút người học từ đầu đến cuối bằng lối thuyết trình hài hước, dí dỏm và những kiến thức rộng lớn. Thầy đọc thơ, kể những câu chuyện thực tế làm tôi cảm thấy sự kiện ấy hiển hiện ngay trước mắt.

Tôi cũng đã từng học các buổi học bằng phương pháp trình chiếu giáo án điện tử, có hình ảnh, có phim minh họa, nhưng thật sự học xong chẳng hiểu gì cả.

Tôi đã từng ước nếu kết hợp mặt tối ưu giữa hai phương pháp thuyết giảng nêu trên có lẽ tôi sẽ có một buổi học tuyệt vời.

Xin có vài lời chia sẻ.

NGUYỄN THANH NHỰT

Ý kiến bạn đọc (1)
Hoàn toàn đồng ý
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Nhật! Một số giáo viên hiện nay đã quá lạm dụng giáo án điện tử, khi giảng bài các slide powerpoint được trình chiếu một cách rất nhanh khiến học sinh không tài nào vừa nghe giảng vừa ghi chú cụ thể bài học được. Kết quả sau tiết học không thể nắm vững được kiến thức về những gì vừa học, cá biệt có nhiều em còn không hiểu gì! Học vậy không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa"!
Quốc Thi


Thứ Hai, 20/12/2010, 05:10 (GMT+7)

Đổi mới nửa vời - Kỳ 1:

Ồ ạt màn hình LCD trong lớp học

TT - Trang bị màn hình LCD trong lớp học bằng nguồn quỹ từ phụ huynh trở thành “phong trào” tại nhiều trường những năm gần đây. Tuy nhiên, dạy và học với một giáo cụ mới đòi hỏi không chỉ một bộ máy vi tính và màn hình LCD...

Học sinh gặp khó khăn khi phải theo dõi bài giảng trên màn hình LCD nhỏ và treo quá cao - Ảnh: L.TRANG

Tại Trường tiểu học VTS, Q.Gò Vấp, TP.HCM, sau hai năm thực hiện công trình phụ huynh là trang bị màn hình LCD các lớp học, hiện việc sử dụng màn hình LCD và giáo án điện tử diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, do thiết kế bảng cố định, tất cả màn hình đều được treo chính giữa, phía trên của bảng. Trong các giờ học toán, tiếng Việt, những học sinh ngồi bàn đầu và bàn cuối của lớp đều phải nghểnh cổ lên mới xem được màn hình.

Theo một nhóm học sinh ở trường, màn hình quá nhỏ nên chỉ có thể nhìn rõ những biểu tượng, hình vẽ, còn các con số, phép tính thì việc nhìn và chép bài của học sinh bị hạn chế.

Đặt đâu cho đúng?

Hiện ở TP.HCM nhiều quận có tỉ lệ sử dụng LCD trong lớp học rất cao, một số trường quận 1, 3, Bình Thạnh có tới 80-90% lớp học được trang bị màn hình này.

Chỉ riêng Q.Gò Vấp, Phòng giáo dục quận thống kê hiện có 406 trên tổng số 587 phòng học bậc tiểu học và 212 trên 341 phòng học bậc THCS được trang bị màn hình LCD. Đến cuối năm học này, Gò Vấp đặt chỉ tiêu đạt 100% phòng học có trang bị máy tính, màn hình LCD.

LCD phải từ 100-200 inch

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Cẩn - quyền trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Mắt TP.HCM: “Trong bối cảnh sĩ số học sinh/lớp khá cao như ở TP.HCM hiện nay, sử dụng màn hình máy chiếu để giảng dạy bằng giáo án điện tử là phù hợp nhất. Còn nếu sử dụng LCD phải từ 100-200 inch, vị trí đặt LCD phải đạt yêu cầu góc nhìn của học sinh trong 90 độ. Nếu các em ngồi xa và quá chéo sẽ thấy chữ biến dạng. Hoặc các trường có thể trang bị mỗi em một màn hình LCD nhỏ để ngay trước mặt (chỉ cần 15-17 inch). Còn LCD 42, 55 inch treo quá cao hoặc quá chéo (đối với học sinh ngồi ở góc lớp) đều không phù hợp”.

Tuy nhiên, kích cỡ và vị trí lắp đặt màn hình là chuyện đáng bàn. Sự xuất hiện của LCD làm nhà trường khá bối rối bởi tất cả phòng học đều được gắn bảng cố định. Để gắn thêm LCD, có trường treo ngay chính giữa phía trên bảng để không làm mất phần bảng. Có trường đành phải dành góc trái hoặc phải của bảng để treo.

Ở các vị trí này, học sinh ở các góc lớp và những dãy bàn phía sau phải nhìn lệch, còn những học sinh ngồi bàn đầu lại bị... mỏi cổ vì phải ngước lên nhìn trong thời gian quá lâu.

Rất hiếm những trường mới xây trang bị loại bảng ghép, có thể tách ra và gắn LCD lên giữa.

Bản thân phóng viên khi thử ngồi vị trí bàn đầu và bàn cuối ở một phòng học có trang bị màn hình LCD 55 inch tại Trường THPT LQĐ, quận 3 trong vòng 90 phút (hai tiết học) cũng cảm thấy mỏi mắt và mỏi vai vì phải ngước nhìn quá lâu, dù rất hiếm trường học ở TP.HCM được trang bị màn hình kích cỡ lớn như vậy. LCD được treo phía trên phần bảng đã có sẵn.

Em H.T, học sinh lớp 10, cho biết: “Những ngày phải học LCD 3, 4 tiết, tụi em rất mỏi mắt. Những môn ít chữ còn đỡ, còn những môn lý thuyết nhiều thì học với màn hình này rất mệt”.

Kích cỡ tùy... kinh phí

Do LCD là công trình phụ huynh nên kích cỡ cũng tùy thuộc kinh phí huy động được. Loại LCD có màn hình 32 và 42 inch được sử dụng đa số. Theo anh Thanh Quang, nhân viên một siêu thị điện máy ở Bình Thạnh: “Những màn hình dưới 42 inch chỉ thích hợp dùng cho gia đình. Nếu để phục vụ một lớp học với 40-50 học sinh và diện tích khoảng 50m2 thì cần màn hình lớn hơn. Đã có trường hợp các trường sắm màn hình loại 32 inch nhưng khi về không dùng được vì màn hình quá nhỏ”.

Một cán bộ quản lý của Q.Gò Vấp cho biết: “Hẳn nhiên ai cũng mong muốn trang bị những thiết bị tốt nhất cho giáo dục nhưng kinh phí phụ thuộc vào sức huy động từ phụ huynh nên nhiều khi lực bất tòng tâm. Vì vậy nếu làm bài toán cả 30 lớp học thay nhau dùng chung một màn hình LCD 100 inch hay mỗi lớp trang bị một LCD 32 inch, thì phương án hai sẽ phù hợp hơn và đồng bộ hơn”.

Để khắc phục nhược điểm của màn hình LCD 32 inch, không làm ảnh hưởng đến diện tích bảng, mới đây tại Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp gắn tất cả màn hình vào một giá đỡ có thể dịch chuyển linh động. Khi không có tiết giáo án điện tử, LCD được treo phía trên của bảng. Khi vào tiết, giáo viên hạ giá đỡ xuống để LCD nằm chính giữa bảng.

Một giáo viên ở đây cho biết: “Khi làm giáo án, chúng tôi giản lược số hàng chữ và chỉnh cỡ chữ lớn để học sinh bàn cuối có thể nhìn rõ. Em nào không thể thấy chữ trên màn hình đều được giáo viên khuyến khích đi đo mắt để kiểm tra mức độ cận”.

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG

____________________________

Kỳ 2: Chạy đua với giáo án điện tử

Ý kiến bạn đọc (31)
Màn hình LCD trong lớp học

Tôi có con năm nay vừa vào lớp 1, tôi đã tham gia họp phụ huynh để được thảo luận về việc đóng tiền cơ sở vật chất "tự nguyện" đầu năm để đầu tư phương tiện phòng học cho các cháu từ máy lạnh, TV LCD, dàn âm li, loa, quạt,...

Các phương tiện trong phòng này được sử dụng cho các cháu suốt từ năm lớp 1 cho đến hết năm lớp 5 khi các cháu "tốt nghiệp" ra trường. Vấn đề là tất cả kinh phí này đều do phụ huynh "tự nguyện" đóng góp, mỗi lớp tự đưa ra kế hoạch, đại diện hội phụ huynh lên kế hoạch sơ bộ với nhà trướng trước, khi họp phụ huynh chỉ việc thông qua là xong, thực ra mỗi người đóng cũng không phải là quá nhiều hơn nữa cho suốt cả 5 năm học của các cháu. Nhưng việc sử dụng màn hình LCD chỉ cho việc xem phim là phù hợp, còn việc giảng dạy thêm theo cách gọi là "giáo án điện tử" thì không phù hợp.

Việc giảng dạy cho học sinh tiểu học bằng giáo án điện tử có phù hợp không thì tôi không biết vì chưa được chứng kiến, nhưng rõ ràng phải sử dụng màn hình và máy chiếu thì mới bảo đảm cho thị lực của các cháu, và chỉ sử dụng kết hợp một cách khoa học và có tính toán.


Minh
Phải hiểu đúng

Dạy học qua đèn chiếu (over head) và giờ đây dạy học qua sọan bài trên vi tính và chiếu lên LCD là 1 tiến bộ, có nhiều tiện lợi, hình ảnh sinh động, tuy nhiêm, màn hình thường không đủ lớn để cho tất cả các học sinh trong lớp học có thể nhìn thấy rõ, nhất là 1 bài học có nhiều chữ.

Muốn cả lớp, thậm chí cả hội trường nhìn rõ hình, chữ, phải dùng máy chiếu chiếu trêm 1 màn trắng. Một trang chiếu lên chỉ chứa tối đa 7 hàng chữ, màu sắc cũa chữ không được quá tương phản với nền để tránh chói mắt, mỏi mắt khi phải tập trung nhìn lâu.


nguyen thi doan trang
Chơi quá sang và bạo!

Ngày xưa được học bảng nghĩ mà sung sướng lắm! Cô thì nắn nót từng nét trên bảng làm gương cho cả lớp! Vậy mà học sinh giờ sử dụng LCD chữ với hình chạy nhanh lẹ liệu các em có nhớ không? Màn hình nhỏ quá rồi các em cố gắng nhìn thì liệu có làm tăng lượng học sinh cận thị vẫn đang là sự báo động không? Thiệt nghĩ mà thấy giáo dục mình chơi quá sang và bạo!


Tuấn Phong
Sao không tính trước?

Phải dừng ngay việc trang bị màn hình LCD để làm phương tiện nhìn dạy học trong lớp vì khi mà màn hình chưa bằng diện tích bảng viết thì người ngồi phía cuối không thể nhìn thấy chữ. Độ lớn chữ phải tỉ tệ với độ xa quan sát, chưa kể độ cao như phản ánh.


Bạn đọc
Lãng phí

Tôi cũng là giáo viên tin học của trường THCS. Hôm trước, trường tôi cũng được lắp đặt 1 cái LCD ở phòng tin học. Ban đầu khi nhân viên xuống lắp đặt, tôi cứ nghĩ là phông và máy chiếu cố định vì đó là ước mơ của giáo viên trường tôi để có một phòng dạy mỗi khi cần phải khỏi phải khiêng phông, máy chiếu,... Thế nhưng khi lắp đặt LCD, tôi rất đắn đo không biết đặt tại vị trí nào của phòng. Ở giữa đã là bảng rồi, đặt 1 bên sao học sinh nhìn thấy nhưng rồi phải đặt ở một bên và tôi cũng đã đứng thử cuối lớp (cùng với vị trí của LCD) nhưng có thấy gì đâu ngoài các biểu tượng. Huống chi các em ngồi bên dãy kia và một lớp tới 45 học sinh. Thật là lãng phí LCD 42inches, biết làm sao được khi đó là kinh phí ở trên cấp mà.

Giáo án điện tử đâu phải là phương pháp dạy học tối ưu, bảng và phấn là phương pháp truyền thống nhưng nó không cũ vì có như vậy mới biết thầy dạy như thế nào, chỉ nên coi giáo án điện tử là phương tiện dạy học. Ngày nay Bộ giáo dục còn đưa ra bài giảng E-learning, ở cấp Đại học tôi nghĩ việc này là được vì đa phần sinh viên phải có ý thức học và tự học, còn áp dụng ở trường phổ thông sao được, các em chưa ý thức việc học, ở trên máy tính nếu không có người kiểm soát các em chơi là chính.


Phong Lan
Phải sử dụng linh hoạt

Được các thiết bị điện tử hiện đại hỗ trợ cho nền giáo dục là một điều đáng mừng, nhưng chúng ta cần phải sử dụng hợp lý nhất khoa học nhất. Phương pháp giáo dục nào cũng có ưu khuyết điểm riêng của nó, tùy từng đối tượng học sinh mà chúng ta chọn phương pháp và phương tiện hỗ trợ cho phù hợp.


NGUYỄN MINH HÙNG
Sức hút từ mức chiết khấu cao

Là một nhân viên kinh doanh lĩnh vực hàng điện tử, tôi biết mức chiết khấu cho những hợp đồng kiểu này rất béo bở, nó là một miếng mồi để nhà phân phối marketing đem tới lãnh đạo nhà trường và là nguyên nhân mà nhiều trường rất háo hức với vụ này.


Tân
Đúng nhưng chưa đủ
Ý kiến bạn Minh đã đúc kết cho tất cả góp ý của quý vị. Nhưng hãy còn thiếu một ý quan trọng, nếu bạn không muốn con bạn sớm bị cận thị, thì hãy tỏ ra làm quen và thân thiện với cô giáo để cháu được ngồi tại các dãy ghế đầu lớp.
Phụ huynh lớp 1 PCT Gò Vấp
Đừng quá lạm dụng

Đúng là chúng ta phải áp dụng khoa học kĩ thuật, nhưng làm sao cho khoa học, chất lượng và mang tính sư phạm. Khi đi dự giờ ở các trường phổ thông và ngay cả bản thân tôi đi học hay khi nghe các bạn lên tập giảng thì so sánh hiệu quả dạy bảng vẫn hơn. Khi dạy bảng chúng ta sẽ trau dồi cho các em được nhiều kĩ năng nói, viết... Phải biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Những tiết luyện tập, những tiết ngoại khóa, hoặc khi cần minh họa các hình ảnh thì chúng ta nên dùng máy chiếu.

Hơn nữa nên dùng projecto chứ không nên dùng LCD, màn hình nhỏ quá sẽ hại mắt các em. Tôi thiết nghĩ hẳn ai làm giáo viên cũng học môn phương pháp: trong đó nói rõ rằng không nên sử dụng phương tiện kĩ thuật quá 3 đến 4 lần trong một tuần và mỗi lần không quá 25 phút. Vì vậy đừng quá lạm dụng các phương tiện kĩ thuật. Hãy thử làm một cuộc điều tra hay nghe các em nói thì thầy cô sẽ hiểu các em muốn gì. Một màn hình xịn hay một bảng viết thật tốt?


PHAN NGUYỄN THU HẰNG
Tôi cảm thấy ngượng và buồn khi đọc bài này!
Tôi ngượng vì chuyện học sinh than mỏi cổ, mỏi mắt, mỏi vai, mệt... sao lại phải đợi báo chí vào cuộc? Sao trong các trường Ban giám hiệu không chịu ngồi thử như PV của TT đã làm (Và phát hiện ngay những bất tiện một cách dễ dàng) trước khi quyết định trang bị các màn hình trong lớp? Tôi buồn vì sao còn ít những trường làm được như trường tiểu học Kim Đồng?
Thiện Mỹ
Mong các trường hãy xem lại!

Thật là bất ngờ, bây giờ tôi mới biết là có sử dụng màn hình LCD trong các lớp của học sinh tiểu học. Nếu để cho các em thư giãn hay làm bài học sinh động thì không có gì để nói, mà đây là để giảng trọn vẹn một bài trong tiết học?

Tôi là giảng viên đại học. Việc dạy học bằng projector ở đại học đã làm tôi bức xúc lắm rồi (do tôi dạy môn Toán), nay lại ở cấp tiểu học nữa thì càng khiến tôi bức xúc gấp bội.

Có lẽ lý do nhiều người đã nói, ở đây tôi chỉ xin có ý kiến thế này đứng về góc độ sư phạm: học sinh tiểu học đang ở độ tuổi cần hình thành các kỹ năng nghe, đọc, viết. Cao hơn thì có kỹ năng nói và phân tích những vấn đề đơn giản.

Kỹ năng ấy đến từ đâu? Chủ yếu là từ cách giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Ở đây lại chỉ nói đến hai kỹ năng mà tôi cho là quan trọng nhất: nói và viết. Cách thầy cô giảng bài (có đầu đuôi, đúng ngữ pháp, chặt chẽ, giọng điệu, lôi cuốn, sinh động, cử chỉ tay chân ...) hoặc cách thầy cô viết bảng rồi trò chép lại vào vở (cẩn thận, nắn nót, đầy đủ, chặt chẽ, đúng chính tả, ....) sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng nói và viết của các em sau này, khi học các môn học khó hơn, lên bậc học cao hơn.

Việc nhìn bài giảng trên màn hình LCD có thể hay thật đấy, dễ hiểu thật đấy, nhưng cái thu lại được chẳng là gì hết, ngoài kiến thức có thể dễ quên ngay mấy ngày sau, còn kỹ năng thì chẳng có gì cả.

Ngoài ra còn tập cho các em một cách học rất thực dụng, hiểu nhanh nhưng không nghiền ngẫm, kiến thức có một cách quá dễ dàng lộ liễu. Đến khi cần viết ra thì hoặc diễn đạt lại không được. Xin hãy nhìn xem ở các nước tiên tiến, có nước nào giảng bài bằng LCD như nước mình không? Hãy sang các trường đại học lớn trên thế giới, các giáo sư (các môn tự nhiên) có bao nhiêu giáo sư thích dùng máy chiếu? Hãy trang bị một bảng viết thật tốt (không chói), càng rộng càng tốt.

Phấn thật xịn , giẻ lau thật chất lượng, rồi tăng thêm phúc lợi cho giáo viên, giảm tải, tăng tự chủ... mới mong phần nào chất lượng đi lên, chứ không phải cứ càng sử dụng công nghệ hiện đại thì càng tốt đâu.

Tuy nhiên nếu có cái LCD xịn để trong thư viện hoặc phòng nghe nhìn để học sinh xem phim hoạt hình hoặc xem các phim về khoa học thường thức thì vô cùng hoan nghênh.


Trần Vũ Đức
Con dao hai lưỡi
Đổi mới kĩ thuật mà không đổi mới phương pháp, không khéo lại là con dao hai lưỡi. Em tôi, sau một thời gian tiếp cận với phương pháp ấy, về đến nhà là than mỏi cổ và đau mắt. Bên cạnh đó, việc áp dụng kĩ thuật quá sớm ở trẻ sẽ dễ mất đi hứng thú trong mỗi bài giảng của giáo viên.
Nguyễn Thị Trâm Anh
Phải tận dụng công nghệ
Bạn Huỳnh Quốc Trung hình như không đươc thỏa đáng cho lắm. Ý kiến của bạn tôi nghĩ 100% hoàn toàn sai lầm. Bây giờ công nghệ phát triển, không chịu tận dụng thì làm sao nâng cao trình độ học sinh và phương pháp giảng dạy. Nếu nói như bạn, dân tộc Việt Nam ngày xưa cưỡi ngựa, bây giờ mọi người vẫn phải giữ gìn lịch sử bằng cách cưỡi ngựa à?
Tri
Sao không phải là Projector
Theo tôi thì nên dùng máy chiếu (projector) thì hay hơn và tốt cho mắt của các em hơn. Đầu tư mà thấy hiệu quả thì tại sao chúng ta không đầu tư. Tương lai là của các em, vậy sao chúng ta lại nói là chạy theo phong trào. Có cứng nhắt quá hay không. Không lẽ chúng ta cứ muốn các em phải dùng bảng đen, phấn để viết hoài hay sao chứ. Giáo viên có quyền ứng dụng công nghệ để truyền đạt, học sinh có quyền được thừa hưởng công nghệ để phát triển.
Mr. C
Đừng chạy theo phong trào
Phải giữ gìn lịch sử cho các em học sinh, phải xài bảng chứ không phải chạy theo phong trào.
HOÀNG QUỐC TRUNG
Projector hợp lý hơn nhiều
Tại sao không phải là projector. Giá một màn hình LCD > 40 inch thì không rẻ hơn một projector bình thường là bao. Về ưu điểm của projector so với LCD thì khỏi phải nói. Có lẽ các trường chọn LCD chỉ vì nhìn nó "sang". Chỉ tội cho các em học sinh, rất dễ sinh bệnh về mắt.
Đức Nghĩa
Giáo án điện tử...

Việc chúng ta, ứng dụng CNTT vào trong dạy học, đặt biệt ở đây là giáo án điện tử. Cũng với mong muốn giúp cho các nhà giáo đỡ phải soạn đi soạn lại kiến thức ở mỗi đầu năm học. Thay vì chúng ta phải chỉnh sửa bố cục trên file giáo án.

Thêm vào đó, dành nhiều thời gian để các nhà giáo có thể nghiên cứu ra những phương pháp giảng dạy mới giúp các em học sinh dễ tiếp thu bài hơn. Giáo án điện tử là cái mới và Giáo an tay là cái cú. Kết hợp lại với nhau, bổ trợ cho nhau chứ không cái nào thay thế cái nào cả.

- Về màn hình LCD và màn chiếu: Như bài phân tích ở trên, chúng ta đều thấy màn hình LCD có nhược điểm là nhỏ, gây mỏi cổ cho học sinh... và chi phí đầu tư cao.

- Máy chiếu, hiện nay đa số các máy chiếu sử dụng công nghiệp DLP và cải thiện độ sáng cao hơn những dòng trước đây và giá thành tương đối thấp. Một phân tích nho nhỏ, chúng ta có thể áp dụng máy chiếu có độ sáng 2500: 700$ với màn chiếu 100": 75$ cho mỗi lớp học. Như tấm hình duy nhất trong bài, chúng ta thấy có thể tận dụng bên phải của bảng để trao cố định màn chiếu cuộn.


Lê Công Hiếu
Màn hình LCD
Theo tôi, các trường học chỉ cần sử dụng đèn chiếu là tốt rồi, tất cả các lớp trong cùng khối sẽ xem hình ảnh minh họa cho một tiết học là đủ. Chúng ta nên nhớ rằng khi người thầy đứng trên bục gảng thì cả lời, nói cử điệu đều gây ấn tượng nơi học trò. Khi học trò nhìn một màn hình LCD sẽ khác hoàn toàn với cái nhìn đối với thầy, cô của mình.
Trần Văn Trung
Phương pháp mới và công nghệ mới

Có vẻ như các trường học của chúng ta nhầm lẫn giữa "Phương pháp mới" và "Công nghệ mới"! Tôi rất đồng ý với các ý kiến của bạn đọc rằng đâu phải sử dụng Projector/LCD là đổi mới phương pháp! Nhưng tôi cũng không đồng ý với các bạn đọc cho rằng khi dùng "giáo án điện tử" người dạy chỉ cần "click chuột"!

Giáo án điện tử thay thế cho giáo án viết tay. Giáo án điện tử hữu hiệu cho người dạy vì dễ dàng điều chỉnh, thậm chí ngay trên lớp, và dễ dàng lưu trữ. Giáo án điện tử cũng hữu hiệu vì có thể được lồng ghép những tài liệu, hình ảnh minh họa đồng thời giúp cho bài giảng sinh động tạo hứng thú cao cho người học. Nhưng nếu sử dụng giáo án điện tử như kiểu "quyển sách giáo khoa" thì không hiệu quả gì cả.

Nếu trước đây người dạy dựa vào sách giáo khoa để dạy theo kiểu "đọc-chép" bị lên án như thế nào thì ngày nay cách sử dụng giáo án điện tử cho người học "nhìn-chép" cũng bị lên án y như thế.

Thực tế, trong công việc của tôi trước đây, tôi vẫn luôn sử dụng "giáo án điện tử / PowerPoint" và projector để giảng dạy. Nhưng đó chỉ là phương tiện giúp tôi chuyển tải bài giảng chính, đã được cân nhắc chọn lọc thực hiện từ trước. Khi vào lớp tôi phải sử dụng bảng giấy viết, hoặc bảng trắng để chuyển tải những ý kiến "xuất hiện tại chỗ". Theo một nguyên tắc "chỉ có 1 chú ý vào 1 thời điểm" thì khi sử dụng bảng giấy hoặc bảng trắng, projector phải được tắt để không làm phân tán chú ý của người học. Như vậy, đâu phải chỉ cần "click chuột" mà giảng được bài! Còn về phương pháp mới, cụ thể là phương pháp "cũ rồi" mà chúng ta vẫn nhắc - đó chính là phương pháp "trò chủ động/thầy chủ đạo".

Nếu làm đúng theo cách đó... thì cho dù không có LCD, không có Projector, không có PowerPoint... vẫn là phương pháp "mới". Lâu nay ta cứ nói hoài "trò chủ động/thầy chủ đạo" thế nhưng... thầy không để cho trò chủ động vì thầy không muốn mất nhiều thời gian: thời gian soạn bài ở nhà, thời gian dành cho trò tự khám phá ở lớp, thời gian theo dõi và đúc kết vấn đề! Thầy đã... làm hết cho trò để cho kịp giờ! Tóm lại, theo tôi, trang bị và sử dụng công nghệ nghe nhìn cho trường học không phải là áp dụng phương pháp mới.


Hà Xuân
Dùng LCD có tốt hơn bảng không?
Tôi cũng đã từng trải qua thời học sinh, đã từng được học các tiết giảng bài bằng giáo án điện tử. Tôi thấy cách làm như thế có vẻ hiện đại nhưng nói thật việc tiếp thu bài không được tốt lắm như cách dạy học truyền thống là viết bảng. Vì giáo án điện tử có nhiều thứ rất bắt mắt về màu sắc, hình ảnh, âm thanh làm cho học sinh không tập trung vào bài học cho mấy. Hơn nữa việc trang bị như thế tôi thấy hơi lãng phí nữa! Mong rằng các trường hãy xem xét lại cho thật kỹ càng.
Thạch Von
Ồ ạt màn hình LCD trong lớp học
Tôi nghỉ đừng nên lạm dụng và sử dụng vô ích. LCD sẽ có hiệu quả hơn khi:
1. Giáo trình sinh động và chất lượng,
2. Có ảnh hưởng sức khỏe kg ( mắt - cột sống ) ai sẽ gánh chịu hậu quả này, khi con em anh chị đeo kính, với màn hình LCD chỉ 32-42in,
3. Tại sao các trường đại học vẫn giảng dạy = máy chiếu, sao không sử dụng máy chiếu, với kích thước lớn hơn và giá giữa máy chiếu và màn hình LCD chênh lệch không bao nhiêu.
4. Với các nước phát triển, sử dụng kỹ thuật số hóa: LCD để giải trí, tạo sinh động bài giàng, thư giãn.

Tran Minh Phi
Bảng - rất cần thiết, LCD - công cụ hỗ trợ

Tôi là chuyên viên huấn luyện. Khi mới vào nghề, tôi dùng máy chiếu để chiếu bài giảng lên và rất ít sử dụng bảng. Khi có "nghề" hơn và được đi học các khóa đào tạo chuyên viên huấn luyện, chúng tôi được khuyên là dùng bảng nhiều hơn. Cái mà mọi người gọi là giáo án điện tử thực ra chỉ đơn giản là 1 bài giảng rút gọn chiếu lên thôi.

Xin lưu ý: Học viên đến để nghe giảng viên trình bày, phân tích chứ không phải đến để đọc bài giảng trên màn hình. Nếu như vậy thì thay vì thầy đọc - học viên chép, chuyển thành nhìn - chép rồi. Không tin, mời quý vị đến các lớp train the trainer xem. Bao giờ cũng có bảng. Tóm lại. bảng vẫn là công cụ không thể thiếu và nó vẫn là công cụ giảng dạy hiệu quả.


Thủy
Sử dụng LCD trong giảng dạy cho hiệu quả

Trước đây dùng màn hình và projector, các học sinh phải di chuyển đến phòng có gắn sẵn thiết bị hoặc giáo viên phải đem màn chiếu đến từng lớp. Với cách như vậy, giáo viên phải đăng kí phòng trước và bộ phận phụ trách xếp lịch và chuẩn bị. Về kinh tế: trang bị màn hình, projector, laptop tốn rất nhiều tiền hơn là 1 cái CPU và màn hình LCD.

Vả lại bóng đèn trong projector có tuổi thọ khoảng 2000-3000 giờ thì phải thay cái mới, giá của bóng đèn thì bằng 1/3 projector. Do đó trang bị LCD có hiệu quả kinh tế hơn. Về nội dung bài giảng: giáo viên không nhất thiết đưa toàn bộ nội dung bài giảng lên LCD mà chỉ nên đưa các kênh hình, gameshow và phim ảnh minh họa cho bài giảng. LCD chỉ nên là công cụ để giảng dạy, giáo viên không nên lệ thuộc vào đó mà vẫn nên sử dụng bảng như bình thường. Làm như vậy sẽ hạn chế được tình trạng học sinh bị mỏi mắt.


NHÂN
ĐỪNG LẠM DỤNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ

Thực tế đã chứng minh không phải đổi mới phương pháp giảng dạy là người giáo viên chú trọng vào phương tiện hiện đại như Tivi, đèn chiếu, giáo án điện tử... mà phải biết kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống một cách hợp lý, nhuần nhuyễn và nhớ rằng không tách rời thoát ly bảng đen phấn trắng.

Nhưng hiện tại bây giờ việc trang bị các hệ thống giảng dạy kiểu này hình như đại trà trường nào kinh phí dồi dào thì trang bị mỗi lớp màn LCD, trường nào kinh phí ít cũng gói gém tiền sắm bộ máy dạy giáo án điện tử vài ba mươi triệu đồng, thú thật các trường thường chỉ sử dụng dạy giáo án điện tử cho các tiết thao giảng, chuyên đề ...vì đầu tư cho giáo án điện tử có nhiều khó khăn, mất thời gian soạn và tìm thông tin, hình ảnh trên mạng chuẩn bị tiết công phu nhưng thực tế dạy chỉ diễn ra trong vòng 35 đến 40 phút.

Mong rằng giáo viên cứ dạy bằng thực tế những phương tiện, đồ dùng dạy học sẵn có của Thư niện, thiết bị của nhà trường và năng lực của mình, sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là tốt nhưng có chừng có mực có lúc và tránh lạm dụng vì sử dụng nhiều lần học sinh có thể nhàm chán và giáo án điện tử đừng để cứ có thao giảng, hội giảng, dự thi... giáo viên mới đem ra biểu diễn.


Trần Văn Tám
Khi thầy click chuột
Đâu rồi cái ngày "khi thầy viết bảng nữa" hay là sửa lại "khi thầy lick chuột" nhé.
Bạn đọc
Đầu tư lãng phí!
Mấy năm đầu cho đầu tư máy chiếu bằng phim trong, tới projector nay tới LCD. Sao không đầu tư phòng học đạt chuẩn (20-25HS trên lớp, phòng không bị chóa, đủ sáng...), tăng lương cho giáo viên, tiền thưởng cuối năm (chưa hề có hoặc đủ mua 1kg thịt lợn), nghiên cứu chính sách đáp ứng sự hội nhập quốc tế, xem lại đổi mới giáo dục trong 10 năm nay (giáo viên còn thay đổi không kịp)...
Lê Đức Duy
Tại sao không dùng máy chiếu
Theo tối thấy nếu dùng LCD chỉ 32 inch thì nguy cơ mắc các bệnh về mắt của các cháu có nguy cơ tăng cao. Nếu trường đã có kinh phí cài triệu đồng để trang bị LCD, thì cớ sao không chi thêm vài triệu nữa, trang bị máy chiều, vừa tốt cho mắt em, vừa dễ cho giáo viên ( bảng chiếu có thể kéo thả ).
Hiền Nguyễn

Màn hình LCD trong lớp học
Con tôi năm nay đang học lớp 1, hội phụ huynh kết hợp với trường đề nghị phụ huynh "tự nguyện" đóng góp mua sắm đầu năm đủ thứ cho lớp học của các cháu, trong đó có máy tính và màn hình LCD 42', biết là bất hợp lý, biết là tào lao... nhưng cũng chẳng làm gì được, bố bảo các vị phụ huynh nào không đồng ý.
Minh
Bệnh về mắt và cổ tăng là cái chắc.
Với những cái màn hình LCD trong lớp học kiểu này thì sau vài năm nữa bệnh về mắt và cổ tăng cao là cái chắc. Đó là chưa nói đến những giáo án điện tử sẽ có nhiều vấn đề.
Nguyên
Cân nhắc kỹ trước khi đồng ý

Theo tôi giáo án điện tử chỉ thích hợp cho những buổi thuyết trình. Đối với giảng dạy thì môn ngoại ngữ cũng rất hiệu quả, sinh động và tiện lợi. Đối với những môn học khác giảng dạy bằng các phương pháp giáo án điện tử thì học sinh như là một cái máy được lập trình sẵn, chưa kể đến giáo viên phải đầu tư thời gian, trau chuốt, lượt bớt ý để bài giảng có thể ngắn gọn nhất.

Khi lên lớp giáo viên chỉ có việc nhấp chuột, do đó sự sáng tạo và tranh luận giữa học sinh và giáo viên cũng rất hạn chế, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học. Ngành giáo dục nên xem xét kỹ trước khi hưởng ứng các trường giảng dạy đại trà bằng phương pháp này.


Anh Dũng
Tại sao không dùng bảng
Tại sao không dùng bảng để dạy và màn hình để chiếu phim minh họa. Lạm dụng màn hình thì phí hai tấm bảng, giáo viên lười viết bảng và chi phí trang bị nặng thêm cho phụ huynh. Đâu phải trang bị hiện đại là dạy hay mà chủ yếu là người thầy có nhiệt tâm hay không thôi. Cứ chạy đua trường nầy với trường khác để câu học sinh y như rằng thấy anh hàng xóm có xe tay ga đời mới thì mình cũng phải có nếu không nó sẽ hèn người mình đi. Chính cái tư tưởng nầy làm nên sự lãng phí rất lớn trong xã hội mà tác hại về phía học sinh lãnh đủ.
Hùng

Thứ Ba, 21/12/2010, 08:18 (GMT+7)

Đổi mới nửa vời - Kỳ cuối:

Chạy đua với giáo án điện tử

TT - Vài năm gần đây, không ít giáo viên phải chạy đua để có đủ giáo án điện tử phục vụ các tiết học. Thế nhưng việc áp dụng vào thực tế còn lắm vấn đề. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười...

>> Ồ ạt màn hình LCD trong lớp học

Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG

Một giáo viên bậc THCS dạy giáo án điện tử môn lịch sử đến giữa tiết, khi muốn trở lại trang đầu để dẫn chứng cho trận đánh, cô loay hoay mãi không biết xử lý ra sao đến toát mồ hôi hột. Cuối cùng, cô đành phải nhờ... học sinh làm giúp. Giờ sinh vật, khi cô giáo minh họa về hoạt động của chim, bấm mãi con chuột máy tính mà... chim không chịu bay.

Một giáo viên tiểu học ở Q.10, TP.HCM sử dụng giáo án của đồng nghiệp, giáo án được biên soạn với cỡ chữ quá nhỏ trong khi đa số học sinh lớp cô bị cận thị. Tiết dạy có ban giám hiệu dự giờ mà hỏi gì học sinh cũng ngoan ngoãn ngồi im, không có ý kiến. Bực mình, cô la: “Sao hôm nay lớp mình thụ động quá vậy?”. Em lớp trưởng rụt rè đứng lên thưa: “Tụi con không nhìn rõ”.

Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến sự xuất hiện của những thiết bị công nghệ thông tin trên lớp, khi mà giáo viên chưa kịp chuẩn bị hệ thống bài giảng bằng giáo án điện tử.

Thành... chiếu - chép

Ông Huỳnh Kim Sen (giám đốc Trung tâm thông tin và chương trình giáo dục - Sở GD-ĐT TP.HCM): Khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm

Những giáo viên giỏi công nghệ thì rất năng nổ với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng cũng có bộ phận giáo viên còn bối rối với máy tính. Vì vậy, cần khuyến khích các thầy cô sẻ chia kinh nghiệm, mách cho nhau cách làm để giảm bớt thời gian tập huấn. Có giáo viên nói tôi sắp nghỉ hưu, học làm gì nữa nhưng thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng không bao giờ là muộn.

Một học sinh lớp 12 Trường THPT TV (TP.HCM) nói: “Học bằng giáo án điện tử giúp tiết học bớt nhàm chán. Nhưng cũng có những lúc thay vì cô giáo dạy văn chép những ý chính lên bảng thì cô chiếu slide. Từng đoạn văn một hiện lên rồi ngay lập tức biến mất để nhường chỗ cho đoạn văn khác, chép không kịp. Cuối tiết, cả lớp phải xin cô chép lại bài”.

“Thực tế có rất nhiều giáo viên bê nguyên xi bài giảng của người khác để dạy học sinh của mình - một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị không nêu tên phản ảnh - Nhiều giáo viên sử dụng giáo án điện tử chỉ để trình diễn một vài hình ảnh, một vài đoạn phim cho học sinh xem thích mắt chứ chưa quan tâm đến hiệu quả của việc dạy tương tác mà giáo án điện tử mang lại. Thay vì ngày xưa đọc - chép, ghi - chép thì bây giờ đổi mới bằng việc chiếu - chép mà thôi”.

Ở Q.Gò Vấp, để đáp ứng nhu cầu giáo án điện tử, các trường tổ chức trao đổi giáo án điện tử cho nhau để đảm bảo trường nào cũng có trọn bộ giáo án điện tử cho tất cả các bài giảng. Tuy nhiên, theo một giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp: “Sử dụng LCD giúp bài giảng sinh động nhưng khâu chuẩn bị tốn thời gian hơn, phải tìm kiếm nhiều tư liệu hơn. Việc các trường luân phiên làm giáo án và chia sẻ cho nhau giúp các giáo viên có đầy đủ bộ giáo án, nhưng lại làm mất tính độc lập sáng tạo của từng giáo viên và dẫn đến bài giảng nào cũng giống nhau, sao chép giữa các trường”.

Sao chép nhau

Tình trạng giáo viên sao chép giáo án điện tử của nhau hoặc tải trên mạng về ngày càng phổ biến. Theo cô Lê Thị Liên - giáo viên Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10: “Để soạn 32 bài giảng môn địa lý lớp 4, tôi phải mất khoảng hai năm ròng rã làm tư liệu. Nếu một mình tôi sử dụng thì uổng quá. Việc chia sẻ cho nhiều giáo viên là để đồng nghiệp không phải mất thời gian như mình nữa. Nhưng trình độ học sinh ở mỗi lớp một khác nên bài giảng không thể giống nhau. Khi dùng giáo án của người khác phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với học sinh của mình mới cóhiệu quả”.

Ông Trần Mậu Minh, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 - một trong những người đầu tiên ở TP.HCM đưa giáo án điện tử vào tiết học, cho biết: “Những giáo án có thể tải trên mạng về thường không có chất lượng cao. Một giáo án đạt yêu cầu cả về ý tưởng sư phạm lẫn hiệu quả tương tác giữa thầy và trò phải có đầy đủ hình ảnh rõ nét, âm thanh sống động. Nhưng nếu như thế sẽ nặng và rất khó tải về máy tính cá nhân. Chỉ có giáo án điện tử toàn chữ mới dễ tải về mà thôi”.

Cô Lê Thị Liên đề xuất: “Chương trình nặng nề, giáo viên phải dạy suốt từ sáng đến chiều rất mệt mỏi, tối về nhà còn phải chấm bài, rồi chuyện gia đình... khiến họ mệt nhoài. Theo tôi, chỉ nên yêu cầu mỗi thầy cô làm một bài giảng điện tử trong một năm học. Chứ yêu cầu họ phải liên tục sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại thì có người sẽ phải đối phó, sao chép y chang bài giảng của nhau”.

Sử dụng giáo án điện tử đã và đang trở nên phổ biến. Nó được gắn dưới mục đích tốt đẹp là giảng dạy bằng phương pháp hiện đại - trực quan - sinh động. “Nhưng không phải bài học nào cũng cần áp dụng giáo án điện tử. Đây chỉ là một trong nhiều phương pháp dạy học tiên tiến chứ không phải hiệu quả trong mọi trường hợp. Nếu lạm dụng, nhất là tình trạng sao chép giáo án của nhau, dù là giáo án điện tử hay không điện tử thì cũng mang tác dụng ngược - bởi mỗi lớp học cần một giáo án khác nhau” - ông Trần Mậu Minh đúc kết.

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG

Cuốn theo phong trào

Một giáo viên Trường tiểu học Trung Phụng, Hà Nội kể: “Mấy năm trước, nhiều giáo viên chúng tôi hiểu sử dụng máy chiếu hắt là một cách đổi mới phương pháp. Trường tôi may mắn được ưu tiên hỗ trợ một chiếc máy như vậy, trị giá lúc đó trên 5 triệu đồng. Một số trường khác phải mua bằng nguồn xã hội hóa, vì ở trên yêu cầu trang bị đồng loạt để cùng... đổi mới. Nhưng sau khi mua, máy hầu như chỉ được sử dụng vào những cuộc họp, hội thảo, những giờ dạy mang tính trình diễn. Tôi thấy rất lãng phí, trong khi tiền có thể dùng vào nhiều việc khác có ích cho học sinh hơn”.

Đó không phải là chuyện của riêng trường tiểu học này. Rất nhiều nơi máy chiếu được mua về để “đắp chiếu”. Một phần do giáo viên ngại hoặc lúng túng trong việc sử dụng. Nhưng cũng có nhiều giáo viên, trong đó có các giáo viên giỏi, cho rằng lạm dụng máy chiếu theo kiểu phong trào không mang lại hiệu quả, thậm chí với một số môn học nó làm giảm chất lượng.

Sau “hội chứng máy chiếu” đến chuyện giáo án điện tử. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học lên cao, ở đâu cũng thấy nói đến giáo án điện tử. Thế nhưng không ít giáo viên bậc THCS, THPT khi được hỏi đến “giáo án điện tử”, “sáng kiến kinh nghiệm” đều cười, chung quy vì tính hình thức, đối phó mà họ quá rõ.

Những hoạt động đổi mới có mục đích rất tốt đẹp nhưng vì sao giáo viên không ủng hộ? Giáo viên Lê Minh Nguyệt (Hải Phòng) bày tỏ: “Chúng tôi không thật sự đầu tư tâm huyết vì việc kêu gọi đổi mới mang nặng tính phong trào”. Có thời gian đi đâu cũng thấy nói đến việc đổi mới giờ dạy bằng thiết bị trình chiếu, rồi đến giáo án điện tử, rồi chuyện chấm dứt đọc - chép. Trong khi để việc dạy học thật sự có hiệu quả lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện dạy học, đối tượng học sinh và đặc thù các môn học.

Một thầy ở Trường Trung Phụng cho rằng thực chất giáo viên dạy tốt hay không thể hiện ở chỗ người đó biết điều chỉnh cách dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Với những học sinh trung bình, yếu kém, việc trình diễn bằng thiết bị hỗ trợ, chia nhóm thảo luận có khi không mang lại hiệu quả bằng việc thuyết giảng. Tương tự ý kiến này, một cô giáo dạy văn của Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cũng khẳng định với giờ dạy văn, lạm dụng công nghệ thông tin nhiều phản tác dụng. Nhưng chủ trương, hướng dẫn “đổi mới” thế nào phải theo thế đó.

Thực trạng chậm đổi mới phương pháp dạy học hiện nay một phần nguyên nhân ở trình độ giáo viên hạn chế, thiếu động lực, ngại đổi mới. Nhưng một cản ngại khác không kém quan trọng chính là việc đổi mới chệch hướng, thiếu thực chất, không tạo được sự đồng thuận trong giáo giới.

VĨNH HÀ


Ý kiến bạn đọc (22)

Tương tác trong giảng dạy

Đầu tiên phải hiểu thế nào là tương tác trong giảng dạy, là giảng dạy hướng đối tượng. Nó rất tuỳ nghi, tuỳ bài và tuỳ học sinh và vì thế, nó phụ thuộc vào trình độ và tâm huyết của người thầy là chính.

Tính tương tác và hướng đối tượng vì thế, cực kỳ linh hoạt. Cho nên khi đã chương trình hoá bằng máy tính, tính tương tác không thể linh động bằng người thầy. Tuy nhiên cần có cái khung được chương trình hoá trên máy tính để hỗ trợ người thầy, và người thầy chỉ tập trung vào tương tác cũng như hướng đối tượng.

Cái khung ở đâu? chính là sách giáo khoa được scan và chiếu lên màn hình. Tương tác và hướng đối tượng nhờ vào đâu? nhờ trao đổi bằng lời nói và viên phấn, cái bảng.

Phải biết kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, để giảm nhẹ gánh nặng của thầy cô trong điều kiện đồng lương cực kỳ...cần kiệm kèm với cái việc soạn giáo án (điện tử cũng như ...giấy vô bổ và lập đi lập lại một cách nhàm chán trên một cái khung SGK pháp lệnh) để thầy cô tập trung vào tương tác và hướng đối tượng, mục tiêu của đổi mới dạy và học.

Tất nhiên một đoạn phim, một hình ảnh minh hoạ thêm cho SGK là cần thiết, vậy thì cứ nối mạng tới lớp đi, thầy cô chỉ tìm link thôi. Thật ra, BGD chỉ cần cho cái đĩa DVD toàn bộ SGK là đủ, nhưng lúc ấy, biết bán sách cho ai.


Nguyễn thanh Hải
Học sinh khó mà theo kịp

Tôi học đại học cũng bằng máy chiếu, tuy nhiên, nếu học theo phương án này mà học sinh không chuẩn bị bài đầy đủ, thì rất khó mà theo kịp chương trình dạy, vả lại khi học theo phương thức này thì bắt buộc học sinh phải được cung cấp tài liệu do giáo viên chuẩn bị mới bắt kịp tốc độ giảng bài của giáo viên, điều này làm tăng lãng phí, với lại với màn hình nhỏ như vậy thì tốc độ tăng số lượng học sinh cận thị là điều đương nhiên. Nói tóm lại đây là phương pháp dạy chưa nên khuyến khích (nếu không nói là cấm áp dụng thực hiện).


Nguyễn Đình Sơn
Giáo án điện tử không có tội

Giáo án điện tử bản thân nó không có tội, bởi đây là phương tiện hỗ trợ giúp giáo viên giảm được thời gian chép bảng, nâng cao hiệu suất dạy học, nó giúp chuyển tải được hình ảnh minh họa làm phong phú thêm nội dung bài học...

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy được những vấn đề sau: 1. Không phải ở bất kỳ điều kiện nào cũng có thể áp dụng được, bởi điều kiện cơ sở vật chất các trường hiện nay chưa bảo đảm cho việc triển khai đại trà. Với việc một trường được trang bị màn hình để dạy theo giáo án điện tử như trong ảnh minh họa thì chỉ có hại cho sức khỏe của học sinh. 2. Nên nhớ, giáo án điện tử suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện kỹ thuật trong dạy học, nó không thể thay thế vai trò của thầy, cô.

Nếu chỉ bật chương trình lên rồi yêu cầu học sinh chép theo nội dung hiển thị trên màn hình thì xã hội đâu cần đến thầy, cô và học sinh chỉ cần truy cập Internet hoặc mua dĩa chương trình về tự học là xong. Vì vậy, chúng ta chưa thể xem nó là chỉ tiêu để đánh giá chất lượng day và học của nhà trường. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chạy theo thành tích hoặc tự đánh bóng tên tuổi bằng nhãn hiệu "hiện đại hóa " giáo dục, nhằm đánh vào tâm lý của phụ huynh học sinh.


Lê Đặng
Lỗi tại ai?

Nếu nhìn chung về đổi mới giảng dạy thì mọi người thường nghĩ đến phải sử dụng giáo án điện tử. Thực ra giáo án điện tử chỉ là một phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy giảng dạy, thay vì phải viết từng ý lên bảng mất nhiều thời gian thì trình chiếu đỡ tốn thời gian hơn.

Tuy nhiên, giáo án điện tử không phải dùng cho chiếu chép, nhiều giáo viên thường chiếu toàn bộ bài giảng của mình rồi đọc lại không sót một chữ. do chiếu nhiều chữ quá rồi không điều chỉnh được nên Slide phải cho chữ nhỏ, làm HS khó thấy được. Khi sử dụng giáo án điện tử bạn không những phải biết cách sử dụng Power Point, biết cách soạn giáo án mà còn phải biết cách trình bày về kiểu chữ, font, phối màu... Ngoài ra phải tránh trường hợp lật trang quá nhanh.

Thật ra có phải là lỗi của việc sử dụng giáo án điện tử không hay chúng ta phải xem lại bản thân của mình? Không phải chỉ riêng giáo án điện tử mà bất cứ việc gì chúng ta cũng thường đỗ lỗi cho mọi thứ nhưng ít ai lại nhận lỗi về chính bản thân mình. Theo tôi biết được có nhiều người sử dụng Power Point rất thành công chứ không phải ai cũng thất bại.

Các bạn cứ nghĩ xem nếu việc sử dụng Power Point trình chiếu là phản tác dụng thì tại sao Bộ GD-ĐT lại chủ trương đưa vào trong giảng dạy và phần mềm này tại sao lại được sử dụng rộng rãi được. Bài báo kể về những tình huống dở khóc dở cười kia là do giáo án điện tử hay là do người sử dụng nó?


Thanh Vinh
Dạy bằng giáo án điện tử: quá tốt!

Tôi nhớ ngày xưa đi học từ học lớp 1 cho tới lớp 12, tôi được các cô, các thầy giảng bài và học trò ghi vào vở. Nhất là các môn Anh văn, toán, lý, hóa, các thầy cô đứng lớp rất nhiều và ở mỗi chương, mỗi bài, thầy cô mất rất nhiều công sức để nói, để giảng dạy cho học trò hiểu.

Lúc đó, trường học cũng không có micro, không có máy chiếu, không có bảng và bút lông, thầy cô rất vất vả để dạy học. Tôi nghĩ việc áp dụng màn hình LED, máy chiếu vào trường học là quá tốt bởi vì học sinh có điều kiện để tiếp thu bài giảng một cách trực quan sinh động, thầy cô cũng đỡ vất vả về giọng nói của mình và học sinh cũng nhớ bài lâu hơn. Chưa kể đối với các môn cần thực hành nhiều như sinh, lý, hóa... thì các thí nghiệm khoa học cần được trình chiếu trên màn ảnh để các em học sinh dễ tiếp thu chứ không chỉ là tưởng tượng trong đầu.

Học phải đi đôi với hành. Việc có máy chiếu được trang bị trong lớp học sẽ giúp các em học sinh thích thú hơn với môn học của giáo viên. Tuy nhiên tùy theo từng bài giảng, từng môn mà sử dụng các điều kiện CNTT một cách phù hợp. Nếu không có sự ứng dụng linh hoạt thì thay vì đọc chép, một số thầy cô giáo cũng sẽ "giúp" ngành giáo dục chuyển sang "chiếu - chép".

Hãy sử dụng các thiết bị như một công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy chứ không phải là công cụ làm thay, tiết kiệm sức lao động khi có điều kiện vẫn tốt hơn chứ! Tới đây, tôi lại nhớ và thương những thầy cô đã dạy mình từ rất lâu. Thời đó thiếu trang bị vật chất và thầy cô của tôi đã mất sức rất nhiều để dạy chúng tôi thành người.


Nguyễn Thị Thu Thủy
Tác dụng quá ít

Khi giảng với giáo án điện tử có quá nhiều bất lợi, vậy mà các trường đua nhau ép giáo viên dạy, nguyên do có lẽ là để có lý do sử dụng dàn máy chiếu và vi tính mà nhà trường lạm thu tiền của phụ huynh để mua. Các bất tiện là: quá ít giáo viên thành thạo vi tính, giáo viên phải dành rất nhiều thời gian, thậm chí vài tuần mới soạn song một bài giảng. Chữ trên máy chiếu rất mờ, khó đọc, tập trung đọc chữ từ máy chiếu nhiều quá rất dễ cận thị. Việc khó đọc dẫn đến việc tiếp thu của học sinh kém. Bài giảng trở nên vô hồn do giáo viên ít cơ hội viết bảng.

Theo tôi chỉ nên dùng tới máy chiếu, vi tính khi muốn trình chiếu/minh họa những gì mà không thế giảng bằng phương pháp thông thường được.


Phạm Sơn
Chúng tôi học máy chiếu

Chúng tôi đang học đại học, trang thiết bị cho công nghệ cũng khá tốt, máy chiếu luôn sẵn sàng với kích thước chữ chiếu khá lớn. Nhưng đôi khi tôi và một số bạn vẫn bảo không nhìn rõ. Vậy mà, chỉ thấy một cái màn hình bé tẹo ở trên bảng. Tôi rất lo lắng đến thị lực của các em. Bởi vì tôi là một người cận thị, nên tôi hiểu được nỗi khổ phải mang kính.


Bandoc
Cần hiểu về giáo án điện tử

Cần làm cho mọi người hiểu thật về việc ứng dụng CNTT vào quản lý, tổ chức dạy học. Với sự tham gia của CNTT môi trường dạy học sẽ thay đổi, CNTT có tác động mạnh mẽ tới mọi thành tố của quá trình dạy học gồm: mục tiêu dạy học; nội dung dạy học; phương pháp dạy, hình thức dạy học; phương tiện dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Thế mạnh của CNTT là tạo môi trường hỗ trợ hoạt động tự học, tự nghiên cứu của HS. Từ Internet, ta có thể tìm được các thư viện điện tử chứa các giáo trình điện tử, các tài liệu tham khảo phục vụ việc học tập, nghiên cứu của giáo viên và HS; các diễn đàn để tìm kiếm và trao đổi, chia sẻ thông tin; các từ điển và sổ tay giúp HS tra cứu thuật ngữ, kiến thức hình học.

Trong các bài giảng sử dụng CNTT, ta cũng có thể giúp HS có được các kỹ năng tư học như: kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng khai thác thông tin hình học, kỹ năng lựa chọn và đọc tài liệu hình học... đồng thời giúp HS tiếp cận cách học ở bậc đại học: tiếp cận cách lập kế hoạch học tập, cách nghe giảng và ghi bài trên lớp, cách học bài, cách đọc tài liệu, cách nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề.


Huy Cẩn
Chỉ cần lãnh đạo linh hoạt

Chúng tôi dạy học ở một trường vùng sâu, nhưng do hiệu trưởng linh hoạt khuyến khích giáo viên học tập lẫn nhau trong việc soạn giảng giáo án điện tử (hoặc có ứng dụng CNTT), chỉ trong vòng 2 tháng là 100% giáo viên tự soạn và sử dụng được máy chiếu. Vậy chỉ cần lãnh đạo linh hoạt là xong!


Châu
Chỉ là đổi mới phương tiện dạy học

Giáo án điện tử không hề là đổi mới phương pháp dạy học mà chỉ là đổi mới phương tiện dạy học thôi. Nếu có phương tiên này các vấn đề trừu tượng trở nên cụ thể dễ hiễu và sinh động hơn. Tuy nhiên giáo án điện tử không phải là chìa khóa vạn năng.

Trong dạy học, có nhiều phương pháp để truyền tải kiến thức đến người học, phải vận dụng linh hoạt đúng thời điểm đúng với đặc điểm từng môn học mới phát huy tính tích cưc, sáng tạo của học sinh.


Bạn đọc
Cần đào tạo giáo viên về kiến thức tin học

Tôi thấy thông qua bài giảng bằng slide sẽ làm cho học sinh dễ hiểu bài hơn nhất là học sinh tiểu học, nhưng làm cách nào để cái mà mình muốn nói đến trình chiếu dễ hiểu hơn đối với học sinh thì kiến thức của giáo viên về việc làm giáo án bằng Powerpoint hay công cụ khác lại hạn hẹp chỉ là những hiệu ứng đơn giản. Ngành giáo dục cần đào tạo thêm cho giáo viên về kiến thức tin học hỗ trợ cho việc giảng dạy!


Bùi Trung Lân
Quá lãng phí

Tôi cho rằng việc bắt buộc tất cả các môn (trừ thể dục) soạn và dạy giáo án điện tử là quá lãng phí về sức người và của cải nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao. Ai cũng biết các thiết bị điện tử là có tuổi, không biết sử dụng hay thậm chí không sử dụng nó vẫn hỏng.

Theo tôi giáo viên cần gởi yêu cầu của mình cho một tổ chức họ có những chuyên gia để làm hay cung cấp các video clip hay flash động hỗ trợ giáo viên. Các tiết dạy bằng giáo án điện tử cần được đầu tư tốt mới phát huy hiệu quả chứ không phải sao chép lẫn nhau và tiết nào cũng dạy bằng giáo án điện tử.


Đàm Thị Xuân Uyên
Đừng đổ lổi cho giáo án điện tử

Tôi nghĩ rằng mọi người đừng nên đổ lổi cho giáo án điện tử, không có qui định nào nói rằng khi giáo viên sử dụng giáo án điện tử thì không cần giảng bài. Giáo án điện tử chỉ thay thế cho việc giáo viên tóm tắt nội dung chính bài học lên bảng đồng thời cho phép đưa hình ảnh, âm thanh cho bài giảng sinh động hơn. Nếu giáo viên chỉ chiếu lên rồi sao đó nói: "Coi theo đó chép đi các em" là cái sai của họ.


L.T.S
Lợi hay không là còn tùy

Việc chiếu bài giảng điện tử đôi khi làm cho học sinh không nắm được cấu trúc bài học vì cứ chiếu một lô chữ liên tục. Rồi có những hiệu ứng lòe loẹt gây nhàm chán. Đôi khi phần trình bày của người soạn trên các slide chiếu không rõ ràng, làm học sinh không biết chép thế nào chứ đừng nói đến hiểu. Cho nên người soạn cần chú ý cách thức trình bày bài học của mình trên slide sao cho dễ nắm bài.

Không nên lạm dụng việc trình chiếu quá làm cho chất lượng buổi học giảm xuống. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đúng thì việc bài giảng có giáo án điện tử sẽ bổ sung được nhiều kiến thức mà việc giảng đơn thuần không có được. Nhưng thế nào cho hay và đúng là ở người soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử.


Thống Triển
Giáo án điện tử chỉ thích hợp cho giảng viên bậc đại học

Tôi nghĩ giáo án điện tử chỉ thích hợp cho giảng viên bậc đại học. Bậc tiểu học mà cũng áp dụng phương thức này sẽ chẳng mang lại hiệu quả. Tôi thấy nhiều giáo viên cũng chỉ sao chép lại hoặc tải trên mạng về, sửa chữa một ít để đối phó. Nhiều người chỉ soạn 1 tiết giảng mà mất cả đêm thì còn đâu thời gian đầu tư cho chuyên môn. Nhiều khi những bộ óc “vĩ đại” ngồi bàn giấy “phát minh” nhiều “sáng kiến” nhưng không chịu thử nghiệm, tổng kết thực tế nên thành ra phản tác dụng, trở thành “tối kiến”. Việc này cũng giống như đào tạo bằng đại học tràn lan giáo viên tại chức nhưng dạy tiểu học.


Thanh Nam
Nên xem sử dụng giáo án điện tử là biện pháp hỗ trợ

Sử dụng giáo án điện tử khi lên lớp có ưu thế là đỡ mất thời gian viết bảng, gắn tranh, ảnh minh họa và một số hiệu ứng giúp học sinh thấy được diễn biến ảo một số quá trình. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng trình chiếu thì hiệu quả tiết dạy sẽ không cao nếu không kết hợp với các phương pháp giảng dạy khác. Ngành giáo dục cần lấy mục tiêu chất lượng và hiệu quả làm đầu, còn cứ chạy theo thành tích và hình thức thì khó có thể gọi là đổi mới!


Võ Như Đăng
CNTT trong dạy học

Dạy với mục đích ứng dụng CNTT để hỗ trợ bài giảng sao cho học sinh học dễ hiểu hơn, hứng thú học hơn thì tiết dạy đó mới gọi đổi mới phương pháp trong việc sử dụng CNTT.


Quảng trọng Út
Đến hẹn lại lên

Học sinh trường chuyên khác học sinh trường xã khác, nhưng Phòng Giáo dục đòi hỏi kiến thức như nhau. Kết quả là những hệ lụy của thành tích của thi đua. Học sinh không tiếp thu được kiến thức bao nhiêu, giáo viên thì không còn thời gian dành cho gia đình vì cứ soạn bài, chấm bài, vào sổ điểm (dù đã có tin học hỗ trợ rồi), lên lịch dạy giáo án điện tử, giáo án word in ra giấy cho tổ trưởng, ban giám hiệu kiểm tra, đánh giá...


Nguyễn Thanh Tâm
Ai có lợi?

Điều quan trọng là cũng phụ huynh phải bỏ tiền ra và ai là kẻ hưởng lợi từ những hợp đồng mua bán giáo án điện tử, hợp đồng bán nhiều màn hình LCD nhỏ xíu đó, tiếp theo sẽ là những cửa hàng bán kiếng cũng sẽ đón đầu ăn theo. Hãy làm những gì có ích lợi cho dân và cho những thanh thiếu niên không có điều kiện du học, phải ở trong nước gánh chịu một nền giáo dục xô bồ.


Tiến Long
Tác dụng gì?

Việc sử dụng các slide để chiếu giúp giáo viên đỡ mất công trình bày bảng, nhưng nếu chỉ chú ý đến việc trình bày sao cho các slide lòe lọet, hiệu ứng rối rắm thì vô tác dụng vì học sinh bây giờ không phải là chưa quen với CNTT.


Hoang Việt Thanh
Giáo án điện tử

Bài này sẽ hay hơn nếu có một vài địa chỉ giáo án điện tử tiêu biểu để người đọc có thể tham khảo.


NgdiDu
Bình mới rượu cũ
Đây chỉ là "bình mới rượu cũ". Thay đổi hình thức chứ chưa thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy. Học sinh vẫn phải ghi chép chứ không loại bỏ việc đọc chép. Nội dung chương trình thì nặng nề mang tính "thợ giải", "thợ chép", "thợ thuộc lòng" hơn là hiểu thấu đáo.
Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét