Ông Putin và những câu hỏi “nóng”

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 22/12/2010, 05:02 (GMT+7)

TT - Cuộc trò chuyện của ông Vladimir Putin, đương kim thủ tướng Nga, với nhân dân đã trở thành thông lệ hằng năm. Năm nay là một năm đặc biệt. Nước Nga cũng như phần còn lại của thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Thâm hụt ngân sách, tham nhũng, hạn hán cháy rừng, các vấn đề xã hội liên quan đến công ăn việc làm, nhà ở, lương hưu, phân biệt chủng tộc... là những thử thách dành cho người đứng đầu chính phủ trong năm 2010.

Người dân Nga theo dõi buổi nói chuyện của Thủ tướng Putin từ một quán cà phê - Ảnh: Reuters

Mở đầu cuộc trò chuyện kéo dài gần 4 tiếng rưỡi hôm 16-12, khi được hỏi liệu với những kết quả về kinh tế - xã hội trong năm, thủ tướng có cảm thấy “xấu hổ” trước nhân dân hay không, ông Putin đáp: “Không, không xấu hổ!”.

Ông mở đầu và nhìn nhận có nhiều thứ có thể làm tốt và hiệu quả hơn nhưng tựu trung lại chính phủ đã làm như những gì đã hứa, không để nền kinh tế trải qua “liệu pháp sốc” trong cuộc khủng hoảng.

Trong vô số câu hỏi, có hai vấn đề làm bản thân ông cũng như người dân bức xúc, mà như ông Putin nhìn nhận là “những sự kiện khó khăn nhất trong năm”. Việc đầu tiên là các vụ cháy rừng trong mùa hè vừa qua quanh Matxcơva. Ông tuyên bố không được chậm trễ trong việc tăng thêm trách nhiệm của những người thuê rừng, bởi “quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm, điều này không có gì phải bàn cãi”.

Việc thứ hai liên quan đến một sự kiện gây chấn động nước Nga những ngày đầu tháng 11 - đó là vụ thảm sát tại làng Kusevskaya khiến 12 người chết trong đó có trẻ em. Vụ việc làm dấy lên hồi chuông cảnh báo có sự bao che và bàn tay máu của các tổ chức mafia trong bộ máy chính quyền. Nguyên nhân là do sự lũng đoạn trong công tác bầu cử ở các cấp địa phương.

Đề cập vấn đề này, ông Putin nói: “Đáng tiếc là trong điều kiện của chúng ta, trong điều kiện chưa đạt đến hiệu quả đầy đủ của một xã hội dân chủ, trong các cuộc bầu cử gọi là “trực tiếp”, hầu như sau lưng mỗi ứng viên đều có bóng dáng của tội phạm” - ông Putin thừa nhận.

“Tình trạng mua quan bán chức đã từ lâu phủ bóng, đặc biệt ở các cấp dưới tỉnh trưởng tại Nga”, ông Putin cũng tỏ ra không hài lòng với hình thức bầu cử đó, nhưng ông cho rằng chỉ nên theo dõi sát sao hơn nữa quá trình thực hiện.

Một sự kiện thú vị, có lẽ gây chú ý nhất trong cuộc nói chuyện, là việc một bác sĩ trẻ đứng ra tố cáo với ông về chuyện lãnh đạo bệnh viện đã “lừa dối” chính Thủ tướng Putin như thế nào khi đến thăm bệnh viện này.Theo lời người bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã bị lãnh đạo bắt phải nói dối về mức lương mà các bác sĩ và y tá nhận được (cao hơn thực tế), còn các trang thiết bị mới đều là đi mượn từ những nơi khác về để đối phó.

Câu hỏi ngay lập tức được nhiều khán giả đặt ra: “Nếu đó là sự thật thì có một lỗ hổng giữa số tiền rút ra từ ngân sách và số tiền chi phí cho bệnh viện. Tiền đã đi đâu?”. Phản hồi từ bạn đọc các tờ báo đều cho rằng đó là một sự thật nhưng không mấy ai đủ can đảm để nói ra.

“Anh rất dũng cảm!”, ông Putin đã dành lời khen này cho anh bác sĩ trẻ đang bị đe dọa cho nghỉ việc, sau đó đã đích thân gọi điện cho anh và hứa sẽ bảo vệ anh khỏi các phản ứng tiêu cực. “Một đoàn thanh tra của Bộ Y tế sẽ đến làm việc với bệnh viện trong tuần tới - ông Putin giải quyết vấn đề - để xem bọn họ đã xài tiền như thế nào!”.

Báo Kommersant bình luận có lẽ ấn tượng để lại sau cuộc nói chuyện là ông Putin đã biến buổi giao lưu thành một cuộc biểu dương sức mạnh của chính phủ...

MINH TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét