Thủ tướng Kosovo bị cáo buộc buôn nội tạng

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Tư, 15/12/2010, 14:19 (GMT+7)
TTO - Hôm nay 15-12, Hội đồng châu Âu đã đưa ra báo cáo gây sốc khẳng định thủ tướng Hashim Thaçi của Kosovo chính là “Bố già” chỉ đạo đường dây buôn bán nội tạng người tại Đông Âu, bên cạnh các vụ buôn lậu vũ khí và ma túy khác.
Ông Dick Marty, chuyên gia điều tra về nhân quyền tại Ủy ban Nghị viện thuộc Hội đồng châu Âu, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Chính trị, ngày mai 16-12 sẽ trình bày báo cáo trước các nhà ngoại giao châu Âu đến từ 47 quốc gia tại một phiên họp ở Paris. Bản báo cáo là kết quả của hai năm điều tra, lấy nguồn tin của FBI và các nguồn tin tình báo địa phương và quốc tế khác.
Thủ tướng Hashim Thaçi của Kosovo bị cáo buộc là “ông trùm” điều hành và dung túng cho đường dây buôn bán nội tạng người ở Đông Âu - Ảnh: Kosova

Báo Guardian của Anh dẫn báo cáo này cho hay Hashim Thaçi bắt đầu điều hành mạng lưới tội phạm, chủ yếu là nhóm người gốc Albania, từ trước cuộc chiến Kosovo năm 1999 cho đến nay và đồng thời thể hiện quyền lực thống trị tại chính phủ nước này.
Báo cáo cho biết các chứng cứ cho thấy Thaçi đã dùng bạo lực để điều hành hoạt động buôn bán heroin. Khủng khiếp hơn, đường dây của ông ta từng bắt cóc vô số người dân vùng biên giới trốn chạy vào Albania sau cuộc chiến Kosovo để giết hại, lấy thận và đem bán ra chợ đen. Sau đó, nhóm tội phạm này tiếp tục lừa người dân bán thận với lời hứa trả tiền nhưng cuối cùng không cho họ xu nào.
Guardian cho hay việc điều tra được chuyển trao cho ông Marty sau khi một cựu công tố về tội phạm chiến tranh tại Hague, bà Carla Del Ponte, nói rằng bà bị ngăn cản điều tra các quan chức cấp cao của Quân giải phóng Kosovo (KLA). Tuyên bố gây sốc nhất của bà là KLA đã buôn bán người Serbia ở biên giới sang Albania để giết và lấy nội tạng của họ.
Trục lợi bằng chiến tranh?
Báo Guardian cho biết ông Marty viết trong báo cáo rằng trong khi chỉ trích "sự tàn ác của Serbia", cộng đồng quốc tế đã phớt lờ những tội ác chiến tranh mà KLA gây ra. Trong suốt cuộc chiến Kosovo và một năm sau đó, Thaçi và bốn thành viên khác của nhóm Drenica đã thực hiện các hành vi “ám sát, bắt bớ, đánh đập và tra khảo”. Sự chuyên quyền này cũng là điều mà phe KLA thực hiện trong chính phủ Kosovo một thập kỷ qua, với sự hỗ trợ của các cường quốc phương Tây để đảm bảo sự ổn định ở nhà nước non nớt này.
“Họ đã dựng lên một tổ chức tội phạm có mô hình như mafia”, ông Marty viết.
Theo báo cáo này, KLA đã giam phần lớn người Serbia trong sáu nhà giam bí mật ở miền bắc Albania và nhóm Drenica của Thaçi “chịu trách nhiệm lớn nhất” về số phận của những người bị giam tại đó. Trong số đó, có rất nhiều tù nhân đã bị chuyển đến một nhà tù khác ở phía bắc Tirana để giết hại và lấy thận.
“Các tù nhân được đưa đến một căn phòng và họ lần lượt bị một tay súng của KLA hành quyết. Xác của họ sau đó được chuyển ngay đến một bệnh viện để các bác sĩ phẫu thuật xử lý”, báo cáo mô tả.
Ông Marty chỉ trích các cường quốc phương Tây đã dung túng cho Kosovo, trong đó có việc công nhận Kosovo là một nhà nước độc lập, và không bắt giữ các nhân vật cao cấp gây tội ác, trong đó có Thaçi. “Sự câu kết giữa tầng lớp tội phạm và những quan chức cao cấp nhất đã quá phổ biến và việc phớt lờ sự thật này là điều cực kỳ nghiêm trọng”, Marty viết trong báo cáo. “Người dân giờ đây có quyền biết toàn bộ sự thật”.
Bản báo cáo sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn chính thức trong tuần này.
Chính phủ Kosovo: bác bỏ cáo buộc
Hãng tin Reuters cho hay chính phủ Kosovo đã bác bỏ các lời buộc tội trong bản báo cáo trên và nói rằng đó là “hành động lạ lùng của những người không đáng tin” và là “âm mưu cản đường thủ tướng Hashim Thaçi sau khi ông chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử”.
"Báo cáo của Hội đồng châu Âu là vô căn cứ. Chính phủ Kosovo và Thủ tướng Hashim Thaci sẽ tiến hành những việc làm cần thiết để phản bác sự vu khống của ông Dick Marty, bằng các biện pháp chính trị và luật pháp", Reuters dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Kosovo.
Chuyện gây sốc của một bệnh viện
Báo Guardian cho hay câu chuyện về việc Kosovo điều hành chợ buôn nội tạng người đã hé mở tại phiên tòa ở thủ đô Pristina của Kosovo hôm qua 14-12. Với lực lượng vũ trang đặc biệt canh gác bên ngoài, các thẩm phán đã lắng nghe những lời tuyệt vọng của người dân Nga, Moldova, Kazakhstan và cả người Thổ Nhĩ Kỳ khi họ bị nhóm tội phạm lừa đến thủ đô này với lời hứa suông sẽ trả tiền để mua thận của họ.
Công tố viên của Liên minh châu Âu Jonathan Ratel nói trước tòa rằng nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể của những người này để cấy ghép vào các bệnh nhân giàu có ở bệnh viện Medicus. Có bệnh nhân đã phải trả số tiền tương đương 90.000 euro cho quả thận được cấy ghép. Một số quả thận khác được bán ra chợ đen ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bác sĩ Yusuf Sonmez của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một trong những tay buôn nội tạng nổi tiếng nhất thế giới - Ảnh: Guardian
Phóng viên Guardian mô tả đứng túm tụm ở giữa phòng xử án là bảy bị cáo bị buộc tội liên quan đến vụ việc. Trong số đó là một vài bác sĩ danh tiếng nhất tại Kosovo, một cựu thư ký thường trực của Bộ Y tế bị buộc tội lạm dụng quyền lực để cấp giấy phép giả cho bệnh viện Medicus và Tiến sĩ Lutfi Dervishi - một chuyên gia tiết niệu tại bệnh viện, được cho là đã thiết lập hoạt động này.
Hai người khác là các nhân vật nằm trong danh sách truy nã của Interpol: Moshe Harel - một người Israel làm nhiệm vụ “cò” và Yusuf Sonmez - một trong những tay buôn nội tạng nổi tiếng nhất thế giới.
Câu chuyện đã đủ sốc khi dừng lại ở đó. Nhưng sự thật còn khủng khiếp hơn khi các bị cáo khai trước tòa rằng bệnh viện Medicus có mối quan hệ làm ăn với đường dây tội phạm Albania mà Hội đồng châu Âu vừa báo cáo. Họ liên quan chặt chẽ với quan chức cấp cao của chính phủ Kosovo, trong đó có thủ tướng đương nhiệm Hashim Thaçi. Cách đây hơn một thập kỷ, chính các bác sĩ tại bệnh viện này đã lấy thận từ các xác chết do KLA hành quyết bằng một phát súng vào đầu.
Tội ác vỡ lở từ sân bay Pristina
Guardian kể lại tại sân bay của thủ đô Kosovo đã xảy ra một sự cố giúp cảnh sát lần ra việc làm của bệnh viện Medicus cách đó khoảng hơn 10km.
Khi Yilman Altun, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ 23 tuổi, ngất xỉu trước các nhân viên hải quan hồi tháng 10-2008 trong lúc chờ chuyến bay tới thủ đô Istanbul, nhân viên sân bay đã kéo áo anh ta lên và phát hiện ra một vết sẹo còn mới ở bụng. Ngày hôm sau, cảnh sát Kosovo tiến hành khám xét bệnh viện Medicus và phát hiện ra Bezalel Shafran, một người đàn ông Israel, vừa phẫu thuận ghép thận và ông ta phải trả 90.000 euro cho quả thận bị lấy cắp.
Cả “người cho thận” và người được cấy thận đều xác định bác sĩ Yusuf Sonmez có liên quan đến việc này. Phát hiện này đã mở ra cuộc điều tra và dẫn đến phiên tòa ngày hôm qua 14-12.
Cảnh sát xác định riêng trong 8 tháng đầu năm 2008 đã có 20-30 nạn nhân bị lừa vì tin rằng họ sẽ được trả tiền sau khi bán thận cho những kẻ trung gian ở Istanbul. Nhưng rất nhiều trong số họ không nhận được một xu và bị đẩy về nước trong tình trạng sức khỏe thê thảm.
PHAN ANH
--------------------------

Kosovo

Tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Kosovo (tiếng Albania: Kosova hay Kosovë; tiếng Serbia: Косово, Kosovo) là một nước cộng hòa ở miền đông nam châu Âu, được công nhận bởi một số nước sau khi ly khai khỏi Serbia vào năm 2008; Serbia không chấp nhận sự độc lập của nước này. Nó nằm giáp với Serbia về phía bắc, Montenegro về phía tây, và Albania và Cộng hòa Macedonia về phía nam. Kosovo có dân số vào khoảng 2 triệu người, phần nhiều là người gốc Albania, còn có những cộng đồng nhỏ hơn là người gốc Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Di-gan, Gorani, và Bosniak. Priština (Prishtina) là thủ đô là thành phố lớn nhất.

Trước đây là một tỉnh tự trị của Serbia nằm dưới chính quyền lâm thời của Liên Hiệp Quốc từ năm 1999. Tuy cộng đồng quốc tế nhận chủ quyền của Serbia, nhưng trong thực tế thì Serbia không được quyền hành chính ở đây (xem thêm Tình trạng hiến pháp của Kosovo).

Trong cuộc chiến năm 1999, ước khoảng từ 7.449 cho tới 13.627 người Albanian đã bị giết bởi quân Serb do Slobodan Milosevic lãnh đạo [4]

Sau Chiến tranh Kosovo năm 1999, Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giao Kosovo cho Phái đoàn Chính quyền Lâm thời Liên Hiệp Quốc tại Kosovo (UNMIK) với chính phủ địa phương Các Cơ quan Tự trị Lâm thời (PISG). Ngoài ra, Quân lực Kosovo (KFOR) giữ gìn hòa bình, với phần nhiều lực lượng là của NATO.

Vùng này là nơi mà chính phủ Serbia (và trước đây chính phủ Nam Tư) và dân đa số thuộc dân tộc Albania. Những cuộc đàm phán quốc gia bắt đầu năm 2006 để định đoạt tình trạng cuối cùng của Kosovo

Kosovo tuyên bố độc lập

Vào thứ bảy ngày 16 tháng 2 năm 2008, Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci đã biểu lộ rõ ý định Kosovo sẽ giành độc lập từ Serbia vào Chủ nhật ngày 17 tháng 2 năm 2008. Vào thứ bảy ngày 16 tháng 2 năm 2008, quốc gia Kosovo được cho là nhận được sự ủng hộ của nhiều nước phương Tây, cũng như là Mỹ, nhưng không phải của Nga. Một bài báo của BBC News nói rằng, "Ông Thaci đã nói rằng Chủ nhật sẽ lại là một ngày bình yên khi các cơ quan tham gia vào việc 'thực hiện nguyện vọng của nhân dân Kosovo'."[5] Vào chủ nhật, ngày 17 tháng 2, Nghị viện Kosovo bắt đầu một cuộc họp khẩn cấp nhằm ủng hộ độc lập từ Serbia.[6] Kosovo tự tuyên bố độc lập từ Serbia vào ngày 17 tháng 2 năm 2008. Đây là lần thứ hai vùng này tuyên bố độc lập; lần trước, ngày 22 tháng 9 năm 1991, một nghị viện đại diện cho những người gốc Albania tuyên bố Cộng hòa Kosova để chống Tỉnh tự trị Kosovo và Metohija của Serbia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét