Thống đốc Ngân hàng: Lạm phát cao không phải do quản lý tiền tệ

VnExpress:
Thứ bảy, 25/12/2010, 19:07 GMT+7
Giải trình trước Ủy ban Kinh tế và Thường trực Quốc hội sáng nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận những căng thẳng về lãi suất thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế. Tuy vậy, không ít diễn biến lại nằm ngoài tầm với của chính sách kinh tế.
> Thống đốc Ngân hàng giải trình về lãi suất, lạm phát

Phiên điều trần do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (15/12) được dự kiến xoay quanh 2 chủ đề là lãi suất và lạm phát. Tuy nhiên, sự vắng mặt của đại diện Bộ Tài chính và Bộ trưởng Công Thương đã khiến cho nội dung thứ hai có phần lu mờ so với chủ đề lãi suất.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, phiên điều trần được đi vào phần chính khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bước lên trình bày báo cáo tóm tắt về điều hành chính sách tiền tệ và các giải pháp ổn định lãi suất.

Buổi điều trần tại Văn phòng Quốc hội sáng 25/12. Ảnh: Nhật Minh
Buổi điều trần tại Văn phòng Quốc hội sáng 25/12. Ảnh: Nhật Minh

Báo cáo dài 7 trang với rất nhiều số liệu được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu kết luận bằng khẳng định: "Việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát, nếu xét về các chỉ số về cung ứng tín dụng, phương tiện thanh toán"...

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận tình trạng lãi suất tăng cao đột biến, đặc biệt là trong giai đoạn 2 tháng cuối năm đã gây ra không ít bất ổn cho nền kinh tế: Các ngân hàng lao vào một cuộc đua huy động bằng những biện pháp không lành mạnh, trong khi doanh nghiệp lao đao vì phải vay vốn với lãi suất cao...

Trong số 6 nguyên nhân được Thống đốc nêu ra để lý giải cho tình trạng này, đáng chú ý có câu chuyện lạm phát. Theo ông, để đuổi theo mức lạm phát lên đến 11,75% (tính tới cuối tháng 12), không ít nhà băng đã phải nâng lãi suất huy động lên trên con số này để đạt được mức lãi suất thực dương.

Lý giải này của Thống đốc cũng được thành viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ. Theo vị đại biểu này thì tại Việt Nam, "lãi suất mà không thực dương thì vô phương huy động". Tuy vậy, vấn đề được ông Lịch và nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm đặt ra trong phiên điều trần sáng nay là mức thực dương là bao nhiêu cho hợp lý.

"Tôi thấy năm suy thoái ngân hàng cũng có lãi. Năm nay lạm phát cao mà nhiều ngân hàng vẫn lãi tới 2.000 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp thì khó khăn. Nhìn vậy "ngứa mắt" lắm", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khẳng khái.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Nhật Minh
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Nhật Minh

Tuy vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian qua phần lớn là do các hoạt động kinh doanh khác, chứ không đơn thuần từ huy động và cho vay truyền thống. Do vậy, nói các ngân hàng tăng lãi suất để kiếm lời có phần "hơi oan".

"Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay bình quân của các ngân hàng hiện ở mức 2,5%, giảm nhiều so với những năm trước (trên dưới 4%). Chúng tôi tính toán rằng biên lãi suất này khoảng 2,2-2,5% thì mới đảm bảo an toàn cho hệ thống", Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định.

Một vấn đề khác cũng được đại diện của Ngân hàng Nhà nước "thanh minh" trong phiên điều trần sáng nay là việc điều hành chính sách tiền tệ mà theo nhiều ý kiến, còn theo kiểu chạy theo thị trường, "giật cục" và "hay ra đòn gió".

Thống đốc thừa nhận việc chính sách tiền tệ có những biến đổi nhất định theo điều kiện và tình hình thực tế. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có những biến động phức tạp trong thời năm qua. Các chính sách này cũng được nghiên cứu, bản bạc kỹ và thực hiện công bố thấu đáo trước khi thực hiện.

Riêng 2 "vụ tại nạn" về việc Ủy ban Giám sát tài chính công bố việc thực hiện lãi suất theo cơ chế thị trường và cú sốc về lãi suất của Techcombank, Thống đốc khẳng định đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Tuy vậy, việc khắc phục hậu quả cũng được ngân hàng trung ương triển khai ngay khi sự cố xảy ra.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định đã điều hành tiền tệ đúng với trách nhiệm được giao. Ảnh: Nhật Minh
Thống đốc khẳng định đã điều hành tiền tệ đúng với trách nhiệm được giao. Ảnh: Nhật Minh

"Đơn cử như để xử lý hệ quả của cú sốc lãi suất mà Techcombank gây ra, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ngay 15.000 tỷ đồng ra trong vòng 4 ngày sau đó. Chúng tôi cũng đã tiến hành cảnh cáo và kỷ luật Chủ tịch và Tổng giám đốc của ngân hàng này".

Động thái này, cùng với việc cho nhập khẩu vàng, giải quyết thiếu hụt ngoại tệ... được Thống đốc khẳng định là ví dụ dễ thấy nhất của việc Ngân hàng Nhà nước "ra đòn thật chứ không phải đòn gió" để bình ổn thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thừa nhận trong quá trình điều hành của mình, chưa hóa giải được những yếu kém, bất cập trong nội bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc, việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất trong thời gian qua cũng có một phần nguyên nhân đến từ chênh lệch về tiềm lực tài chính giữa các ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng nhỏ.

"Thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng cho phép các ngân hàng nhỏ huy động với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện như vậy thì các ngân hàng lớn chắc chắn sẽ không chịu. Vả lại, cạnh tranh thì phải công bằng", Thống đốc chia sẻ.

Tuy vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu các giải pháp để hỗ trợ các ngân hàng nhỏ. Trong đó, có thể xem xét việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng này khoảng 1% để nhà băng có thêm thanh khoản.

Phát biểu kết thúc phiên điều trần, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao nỗ lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn kinh tế, tài chính có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Thống đốc chỉ đạo sát sao hơn nữa, phối hợp chặt với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để điều hành tiền tệ, tài chính, đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô trong năm 2011.

Nhật Minh


Thứ bảy, 25/12/2010, 08:48 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng giải trình về lãi suất, lạm phát

Phiên họp bất thường của Ủy ban Kinh tế Quốc hội với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu diễn ra sáng nay, xung quanh chủ đề lãi suất và lạm phát 2010.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu.

Một nguồn tin từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xác nhận thông tin này với VnExpress.net và cho biết đây là lần đầu tiên ủy ban tổ chức một buổi làm việc như vậy. Tham gia buổi giải trình của Thống đốc có lãnh đạo cao cấp của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và một số chuyên gia đến từ các bộ ngành, chuyên gia độc lập.

Lãi suất tiết kiệm biến động mạnh trong một tháng qua do các ngân hàng chạy đua hút vốn để đáp ứng nhu cầu thanh toán, mua sắm cuối năm và đặc biệt là để giữ thanh khoản trước nguy cơ bị giành giật vốn bởi các ngân hàng khác. Có thời điểm lãi suất niêm yết chỉ là 12%, nhưng các ngân hàng đã đẩy lên trên 17% một năm. Lãi suất cho vay vì thế cũng tăng cao, đe dọa khả năng tiếp cận vốn của của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, giá cả những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng cao bất chấp nỗ lực bình ổn của Chính phủ và các bộ ngành. Tính chung cả năm, chỉ số giá tiêu dùng không chỉ vượt mục tiêu đề ra mà còn tăng với mức 2 con số. Mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2010 là kiềm chế lạm phát khoảng 8% một năm, tuy nhiên đến cuối tháng 12, con số này đã lên tới 11,75%.

Song Linh

VnExpress:
Thứ ba, 21/12/2010, 08:14 GMT+7

5 ngân hàng quốc doanh phải lập báo cáo khẩn

Trong vòng một tuần, toàn bộ 5 ngân hàng quốc doanh sẽ phải lập và gửi báo cáo đánh tình hình hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2008 – 2010 về Ngân hàng Nhà nước.

5 nhà băng này bao gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương (Vietinbank). Trong đó, Vietcombank và Vietinbank vẫn được xếp vào nhóm quốc doanh vì tuy đã cổ phần hóa song vốn sở hữu Nhà nước vẫn chiếm phần lớn.

Nội dung của báo cáo sẽ chủ yếu xoay quanh kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2008 đến hết năm 2010 (về tổng số vốn đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư trong và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính…). Ngân hàng Nhà nước đặc biệt nhấn mạnh đến tỷ lệ đầu tư kinh doanh tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng của các đơn vị này.

Ngoài những báo cáo nêu trên, các ngân hàng cũng cần đánh giá lại các thuận lợi, khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình. Đồng thời đưa ra kiến nghị áp dụng đặc thù cho các ngân hàng, cấc văn bản quy phạm pháp luật cần chỉnh sửa.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc báo cáo này chủ yếu nhằm đánh giá lại việc tổ chức và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng theo mô hình tổng công ty, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu cũng như tình hình sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp.

Báo cáo cần được gửi về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 28/12 để tổng hợp.

Nhật Minh

VnExpress:
Thứ bảy, 18/12/2010, 11:12 GMT+7

Nhà băng ‘chơi’ nhau vì lãi suất khủng

Bị đối thủ giật vốn, một số nhà băng đã tung ra nhiều chiêu để trả đũa khiến nhân viên, lãnh đạo ngân hàng đối thủ phải đếm tiền lẻ mệt nghỉ, giải trình liên miên và nhiều phen khóc dở mếu dở.
> Lãi suất khủng 'oanh tạc' nhà riêng Thống đốc

Cùng đi với khách hàng đến một nhà băng để rút tiền, chị Hằng – nhân viên của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, gặp phải những bộ mặt hằm hằm của giao dịch viên và trưởng phòng giao dịch. Trong 2 ngày, chị phải đến đây tới 4 lần để rút tiền cùng khách và đưa về ngân hàng của mình với tổng số tiền lên tới gần 6 tỷ đồng.

Với những khách hàng thông thường, nhân viên của nhà băng rất nhẹ nhàng và lịch sự. Nhưng nhìn thấy chị Hằng trong đồng phục nhân viên một ngân hàng khác đi rút tiền hộ khách hàng, giao dịch viên mặt “trông như đâm lê” và nói năng với thái độ khó chịu. Chưa hết, một khách hàng rút tiền lên tới gần 2 tỷ đồng nhưng bộ phận quỹ lại xuất ra trả toàn tiền 50.000 đồng và lẫn cả 20.000 đồng chứ không chi tiền mệnh giá cao hơn.

Nếu đối thủ đến rút tiền cùng khách hàng, nhân viên cho một đống tiền mệnh giá nhỏ cho bõ ghét. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Nếu đối thủ đến rút tiền cùng khách hàng, nhân viên cho một đống tiền mệnh giá nhỏ cho bõ ghét. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Khách hàng thì buồn cười nhưng không bực mình bởi họ không phải kiểm đếm hoặc mang vác tiền mà chỉ đơn thuần nhận sổ tiết kiệm mới với lãi suất cao hơn. Còn với chị Hằng, bộ phận đi hộ tống và ngân quỹ thì một phen “bở hơi tai” với mớ tiền được chi. Nhân viên này tâm sự: “Trong thời buổi ai cũng phải chạy theo chỉ tiêu huy động vốn mà nhìn thấy đối thủ giật tiền của mình ngay trước mặt thì ai chả bực. Tôi hiểu điều đó nên việc bị lạnh nhạt và gây khó dễ cũng là bình thường”.

Tuy nhiên, việc đưa bộ mặt khó chịu, chi tiền lẻ chỉ là chiêu “hiền” nhất. Với các nhà băng bị rút vốn, chiêu phổ biến là đi ghi lại bằng chứng đối thủ huy động với mức lãi suất khủng vượt mức cam kết 14% để gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhỏ tiết lộ, cán bộ kiểm tra của Ngân hàng Nhà ước chỉ đi điểm, làm sao mà biết được hết. Tuy nhiên, với đối thủ cạnh tranh, ngân hàng bạn tăng lãi suất là họ biết ngay và có thể tìm được bằng chứng dễ dàng. Họ cũng “tố” lên cơ quan quản lý nhưng ngân hàng bạn thấy “động” là lập tức “rút vào bí mật” nên việc cảnh cáo các nhà băng vi phạm đồng thuận không nhiều.

Ông này tiết lộ, nhân viên bây giờ ít “tố” với báo chí vì khi báo đăng, khách hàng ào ạt tới gửi tiền ở chỗ đối thủ thì chính bản thân ngân hàng báo tin lại bị rút vốn mạnh hơn. “Để phạt được nhà băng tăng lãi suất lên quá đồng thuận thì còn lâu mà cái hại đã nhãn tiền nên phải làm kín”, lãnh đạo này nói.

Trong khi đó, có nhà băng lên tiếng “tố” Techcombank làm náo loạn thị trường cũng lén huy động với lãi suất 17% một năm, thậm chí cao hơn với một số khách hàng. Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại TP HCM cho biết: “Ngân hàng nào cũng muốn huy động thêm vốn cả nhưng không ai muốn khai là mình huy động cao. Còn việc Techcombank lỡ công bố cho bàn dân thiên hạ thì ráng mà chịu thêm vài lời ‘dậu đổ bìm leo’ cũng là chuyện bình thường”, ông này bình luận.

Còn lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội thì nhận định, vụ nhét tờ rơi quảng cáo lãi suất 17% đến 2 lần vào nhà riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Giàu, chắc chắn là do người của nhà băng khác. “Chắc đơn vị này bị giật vốn nhiều mà không làm gì được nên đi ‘thầy dùi’ để cho Techcombank dính đòn nặng hơn cho bõ tức”, ông này bình luận.

Chuyên gia tiền tệ có nhiều năm kinh nghiệm này còn cho biết, sau khi Techcombank bị “tuýt còi” với tờ rơi quảng cáo lãi suất 17% bị đăng khắp các mặt báo, nhà băng nào cũng sợ bị lộ. Ông này nói: “Bây giờ thì tất cả các loại lãi suất huy động thỏa thuận đều rút vào bí mật hoàn toàn cho đảm bảo an toàn. Lỡ trưng quảng cáo ra báo chí hoặc đối thủ chụp được, nộp cho Ngân hàng Nhà nước hoặc thì khổ”.

Hoàng Ly

VnExpress:
Thứ ba, 14/12/2010, 09:02 GMT+7

Lại có ngân hàng ‘vượt rào’ lãi suất

Ngân hàng Á Châu (ACB) vừa đưa lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn lên mức 15,5% một năm, cao hơn 0,5% so với trần lãi suất được các 12 thành viên của Hiệp hội Ngân hàng cam kết hôm 9/12.
> Các ngân hàng cam kết đưa lãi suất huy động về 15%

Theo biểu lãi suất được ACB công bố và chính thức áp dụng từ ngày 13/12, khách hàng gửi tiền theo diện có kỳ hạn truyền thống (12, 13 tháng) hoặc lãi suất thả nổi (12 tháng) có thể được áp dụng mức lãi suất lên tới 15,5% một năm.

Biểu lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn được ACB áp dụng từ ngày 13/12.
Biểu lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn được ACB áp dụng từ ngày 13/12.

Mặc dù điều kiện áp dụng tương đối ngặt nghèo (số tiền gửi phải trên 200 tỷ đồng) nhưng mức lãi suất được áp dụng nói trên vẫn cao hơn so cam kết được 12 thành viên của Hiệp hội Ngân hàng đưa ra hồi cuối tuần trước.

Theo cam kết này, mức lãi suất huy động tối đa cho phép đối với các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các hình thức khuyến mại, thưởng) chỉ là 15%. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng từng khẳng định cảm kết này mang tính bắt buộc chứ không chỉ phụ thuộc vào tính “tự giác” của các ngân hàng như những đồng thuận trước đó.

Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét