Sự thật về Quỹ quốc gia vì dân chủ Mỹ

Cảnh sát toàn cầu - CAND Online
16:00:00 21/12/2010, cập nhật 16:20

Từ gần 30 năm nay, Quỹ quốc gia vì dân chủ Mỹ (National Endowment for Democracy- NED) đảm nhận phần hoạt động hợp pháp bên ngoài của các chiến dịch bí mật của CIA. Thoát khỏi sự giám sát của luật pháp, NED đã dựng nên một mạng lưới hối lộ rộng khắp thế giới, dùng tiền mua các nghiệp đoàn và giới chủ, các đảng phái chính trị cả cánh tả lẫn cánh hữu nhằm bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.

Ngày 6/10/2010, Thierry Meyssan, phân tích gia chính trị Pháp, Chủ tịch - sáng lập viên mạng Reseau Voltaire và Hội thảo Axis for Peace, đã có bài viết khá sâu về những hoạt động của NED với tiêu đề: "NED, mặt ngoài hợp pháp của CIA" đăng trên trang mạng của Reseau Voltaire. Trước Thierry Meyssan, trên báo Le Monde Diplomatique (7/2007), nhà báo Hernando Calvo Ospina (Cuba) cũng đã đề cập đến các hoạt động của NED trên thế giới.

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, làn sóng "Cách mạng màu" đã tràn vào một số quốc gia thuộc không gian hậu Xôviết như Grudia, Ucraina,… và đe dọa cả nước Nga. Năm 2006 Moskva đã lên tiếng tố cáo NED đứng sau giật dây một số tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Nga, tham gia vào một kế hoạch bí mật nhằm gây bất ổn định nước Nga. Để đối phó lại nguy cơ một "cuộc cách mạng màu", Vladislav Surkov, chiến lược gia của Putin, đã soạn thảo một quy định quản lý nghiêm ngặt hoạt động của các NGO nước ngoài ở Nga. Hành động này của Kremlin đã bị Mỹ, các nước phương Tây lên án là "độc tài".

Từ trước đến nay, các chính phủ Mỹ luôn tự cho rằng nước Mỹ là hình mẫu cho thế giới và Mỹ có trách nhiệm "phổ biến dân chủ", "xuất khẩu dân chủ" ra các quốc gia khác; trong mắt người dân Mỹ thì lật đổ một chính phủ "độc tài", thay thế bằng một chính phủ khác thân Mỹ ở nước ngoài là một việc làm hợp pháp. Quan điểm "nền dân chủ bằng vũ lực" của Mỹ là hết sức phi lý và hoàn toàn trái với công thức mà Tổng thống Abraham Lincoln đã từng đưa ra: "Dân chủ, đó là chính phủ của dân, do dân, vì dân".

Trước khi NED ra đời (1983), những hoạt động "phổ biến dân chủ", "xuất khẩu dân chủ" đều do CIA thực hiện. CIA đã gây ra không biết bao nhiêu vụ xì-căng-đan chính trị làm mất mặt chính quyền Mỹ. Đã không ít lần Quốc hội Mỹ phải ra lệnh điều tra về những hành động vi hiến của CIA ở nước ngoài và cuối cùng đã ra lệnh cấm CIA thực hiện các vụ đảo chính lật đổ các chính phủ hợp pháp.


Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (National Security Council - NSC) bắt tay vào việc nghiên cứu tìm những công cụ mới để làm thay những việc của CIA đã bị Quốc hội cấm. Chính quyền Mỹ cũng nhận ra rằng các công việc lâu nay CIA vẫn làm như tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các tổ chức, đảng phái chính trị hoặc các nghiệp đoàn nước ngoài nếu giao cho các NGO sẽ thuận lợi hơn, kín đáo hơn là giao cho các ĐSQ Mỹ thực hiện và không bị lên án là vi phạm chủ quyền của các quốc gia.

Ngày 8/6/1982, Tổng thống Mỹ Ronal Reagan đã có một bài phát biểu nổi tiếng trước Quốc hội Anh; ông ta đã lên tiếng tố cáo Liên Xô là một "đế chế tội ác" và đề nghị ủng hộ những nhân vật bất đồng chính kiến ở Liên Xô và các nơi khác trên thế giới. R. Reagan tuyên bố: "Điều cần thiết là phải sớm thành lập một cơ quan hỗ trợ dân chủ: tự do báo chí, tự do thành lập nghiệp đoàn, đảng phái chính trị, các trường đại học; đồng thời người dân phải được tự do lựa chọn con đường phát triển văn hóa của mình và giải quyết những mâu thuẫn của họ bằng các biện pháp hòa bình".

Sau phát biểu của Tổng thống R. Reagan, một Ủy ban tư vấn lưỡng đảng của Mỹ đã đệ trình Quốc hội Mỹ đề án thành lập NED và 22/11/1983, Quốc hội Mỹ đã thông qua đề án trên; NED chính thức được thành lập và bắt đầu được cấp tiền. Có 4 tổ chức vệ tinh, nhận tiền từ NED để tài trợ cho các tổ chức, các nghiệp đoàn và giới chủ, các đảng cánh tả và cánh hữu là :1/ Viện các công đoàn tự do (Free Trade Union Institute - FTUI), nay được đổi tên thành Trung tâm Mỹ vì sự đoàn kết người lao động (American Center for International Labor Solidarity - ACILS) trực thuộc Công đoàn AFL-CIO.

2/ Trung tâm vì doanh nghiệp tư quốc tế (Center for International Private Entreprise - CIPE) trực thuộc Phòng Thương mại Mỹ.

3/ Viện Cộng hòa quốc tế (International Republican Institute - IRI) trực thuộc đảng Cộng hòa.

4/ Viện quốc gia Dân chủ vì các vấn đề quốc tế (National Democratic Institute for International Affairs - NDI) trực thuộc đảng Dân chủ.

Xuất hiện ở dạng này, NED và 4 tổ chức - vệ tinh mang một vỏ bọc xã hội dân sự, thể hiện sự đa dạng xã hội và đa nguyên chính trị. Với tiền do nhân dân Mỹ tài trợ thông qua trung gian Quốc hội, NED và các tổ chức vệ tinh trên hoạt động có vẻ hoàn toàn độc lập với chính quyền của Tổng thống. Hoạt động của họ công khai, không hề bị coi là bất hợp pháp phục vụ cho những lợi ích quốc gia mờ ám. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Trong 4 tổ chức vệ tinh của NED, thì ACILS đã có sẵn từ cuối Thế chiến thứ hai và năm 1978 được đổi tên sau khi bị phát hiện là của CIA. Ba tổ chức còn lại (CIPE, IRI, NDI) thành lập không cùng một lúc nhưng đều chịu sự chỉ đạo của CIA.

NED là một tổ chức có tư cách pháp nhân Mỹ nhưng không chỉ phục vụ riêng CIA mà còn hợp tác chặt chẽ với Tình báo Anh (MI6) và Tình báo Australia (ASIS). Do vậy không phải ngẫu nhiên R. Reagan lại chọn London để phát biểu. Tình tiết này cho đến nay vẫn được giữ bí mật. Nhưng nhân dịp NED kỷ niệm 20 năm thành lập (2003), hai Thủ tướng Tony Blair và John Howard đều gửi điện chúc mừng. Có thể coi NED và các tổ chức vệ tinh là cơ quan thuộc Hiệp ước quân sự Anglo-saxon kết nối London, Washington và Canberra giống như mạng lưới nghe trộm điện tử Echelon. Hệ thống này phục vụ cho cả CIA, MI6 và ASIS.

Để che giấu sự thật này, NED đã tham mưu các nước đồng minh thành lập các tổ chức tương tự để tiện làm việc với NED. Năm 1988, Canada lập Trung tâm Quyền và Dân chủ (Centre Droits & Democratie) tập trung hoạt động tại Haiti sau đó tại Afghanistan. Năm 1991 Anh lập Quỹ Westminster vì Dân chủ (Westminster Foundation for Democracy - WFD); hoạt động của tổ chức này giống NED: 8 thành viên lãnh đạo của WFD được trao cho các đảng chính trị: 3 cho đảng Bảo thủ, 3 cho đảng Lao động, một cho đảng Tự do và một cho các đảng khác có ghế trong Quốc hội. WFD hoạt động mạnh tại các quốc gia Đông Âu.

Thụy Điển thành lập Swedish International Liberal Center, Hà Lan lập Foundation Alfred Mozer, còn Pháp lập Fondation Robert Schuman và Fondation Jean Jaurès (đảng Xã hội). Năm 2001, Liên minh châu Âu cuối cùng cũng cho ra đời Liên đoàn Dân chủ và nhân quyền Âu châu (European Instrument for Democracy and Human Rights - EIDHR) tách từ EuropAid, do một quan chức cao cấp người Hà Lan, Jacobus Richelle phụ trách.

Về danh nghĩa công khai, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua đề án thành lập NED ngày 22/11/1983, nhưng các nghị sĩ không biết một điều bí mật rằng trước đó ngày 14/1/1983 Tổng thống Reagan đã ký Quyết định (số 77) thành lập NED. Phải hai mươi năm sau, văn bản này mới được bạch hóa. Theo tinh thần của tài liệu này thì Nhà Trắng lập một nhóm công tác làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo NED. Như vậy ban lãnh đạo NED chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển của Hội đồng An ninh quốc gia.

Để duy trì vẻ bên ngoài này có một thỏa thuận nguyên tắc là các điệp viên và cựu nhân viên CIA không được tham gia lãnh đạo NED. Nhưng hầu hết các quan chức cao cấp, giữ vai trò trung tâm của Hội đồng An ninh quốc gia lại tham gia lãnh đạo NED như Henry Kissinger, Frank Carlucci, Zbigniew Brzezinski, Paul Wolfowitz; họ không phải là những nhân vật đã để lại dấu ấn về tư tưởng dân chủ mà là những nhà chiến lược về sử dụng bạo lực.

NED nhận tiền từ nhiều nguồn vì NED nhận các chỉ thị từ Hội đồng An ninh quốc gia để tiến hành các hoạt động khác nhau, các chiến dịch liên ngành. Tiền mà NED nhận từ cơ quan USAID (Cơ quan viện trợ quốc tế) không bao giờ được ghi trong ngân sách của NED, vì đó chỉ là tiền chuyển cho các NGO. Ngoài ra NED còn nhận tiền gián tiếp từ CIA sau khi tiền đã được một số tổ chức tư nhân trung gian như Smith Richardson Foundation, John M. Olin Foundation hoặc Lynde and Harry Bradley Foundation "tẩy rửa".

Để có thể xác định chính xác ngân sách thực của NED cần phải có được những thông tin về các khoản chi riêng của Bộ Ngoại giao, USAID, CIA, Bộ Quốc phòng dành cho NED. Nhưng điều này là không thể. Tuy nhiên có thể lấy một vài con số công khai để lượng định quy mô ngân sách của NED. Trong thời gian 5 năm gần đây, Mỹ đã cấp cho các tổ chức và đảng chính trị Liban, một quốc gia nhỏ bé với 4 triệu dân, một số tiền là hơn 1 tỷ USD; trong đó ½ từ Bộ Ngoại giao, USAID và NED được chuyển một cách công khai, ½ còn lại do CIA và Bộ Quốc phòng bí mật chuyển. Thí dụ này cho phép phỏng đoán tổng ngân sách dành cho công việc hối lộ hợp pháp của NED là hàng chục tỷ USD mỗi năm. Thêm vào đó phần ngân sách của Liên minh châu Âu (công khai) để hỗ trợ các hoạt động của Mỹ là 7 tỷ euro (gần 10 tỷ USD) hằng năm.

Người lãnh đạo đầu tiên của NED là Allen Weinstein, sau đó là John Richardson (1984-1988) và tiếp đó đến Carl Gershman (từ 1998). Cả ba nhân vật này có 3 điểm chung; họ đều là người Do Thái, đều là thành viên đảng Troskit Dân chủ Xã hội Mỹ và đều đã làm việc cho tổ chức Freedom House. Họ cũng có chung một lý do: hận thù chủ nghĩa Stalin và một số đã tham gia CIA chống lại Liên Xô. Họ luôn mang trong mình học thuyết về giành chính quyền bằng con đường "cách mạng màu" và "dân chủ hóa".

Trung tâm Mỹ vì sự đoàn kết người lao động (ACILS):

Nổi tiếng dưới cái tên Trung tâm đoàn kết (Solidarity Center), ACILS là một tổ chức vệ tinh quan trọng của NED, nhận ½ ngân sách của NED để chuyển giao cho các địa chỉ nhận. Tổ chức này kế thừa những tổ chức trước đây đã tham gia thành lập các nghiệp đoàn phi cộng sản trên thế giới, từ Việt Nam đến Angola, qua Pháp đến Chilê, trong suốt chiến tranh lạnh. Nhận tiền của CIA, tổ chức ACILS đã xa rời câu khẩu hiệu của Mác: "Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại" và liên kết với các nghiệp đoàn Mỹ tấn công vào người lao động của các nước khác.

Lãnh đạo tổ chức này từ 1948 đến 1989 là Irving Brown. Theo một số người thì Brown là con trai một tên Bạch vệ (Nga), bạn của Alexandre Kerensky, là nhân viên của cơ quan OSS (tiền thân của CIA). Brown đã từ bỏ danh vọng lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ để tập trung vào công tác chuyên môn của mình là công tác nghiệp đoàn. ACILS lúc đầu đặt trụ sở tại Roma sau chuyển sang Paris và có nhiều ảnh hưởng đối với đời sống công cộng tại hai quốc gia này.

Cho tới cuối đời, Brown vẫn không ngừng thọc tay vào nội bộ tổ chức nghiệp đoàn Pháp Force Ouvrière, kiểm soát các mạng lưới của nghiệp đoàn sinh viên UNI (nơi Tổng thống Sarkozy và các Bộ trưởng F. Fillon, Xavier Darcos, Hervé Morin và Michèlle Alliot-Marie, Chủ tịch Hạ nghị viện Bernard Accoyer, chủ tịch nhóm đa số tại Quốc hội Jean-Francois Copé từng hoạt động) và trực tiếp đứng ra thành lập một nhóm Trotskit cánh tả với sự tham gia của Jean-Christophe Cambadelis và Thủ tướng tương lai Lionel Jospin.

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều thành viên của nghiệp đoàn AFL-CIO đòi điều tra các hoạt động mang tính chất tội phạm của ACILS bị dư luận chỉ trích. Nhưng vấn đề đã bị bỏ qua. Vào 2002 và 2004, ACILS đã tham gia tích cực vào cuộc đảo chính bất thành tại Venezuela chống lại Tổng thống Hugo Chavez và cuộc đảo chính thành công tại Haiti lật đổ Tổng thống Bertrant Aristide.

Hiện nay ACILS do John Sweeney, cựu Chủ tịch Nghiệp đoàn AFL-CIO, người cũng xuất thân từ đảng Trotskit Dân chủ Xã hội Mỹ, lãnh đạo.

Trung tâm vì doanh nghiệp tư nhân quốc tế (CIPE)

CIPE được giao nhiệm vụ truyền bá tư tưởng tư bản tự do và đấu tranh chống tệ nạn hối lộ (corruption).

Thành công đầu tiên của CIPE là vào năm 1987 hoàn tất việc chuyển đổi Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu (European Management Forum) - câu lạc bộ các ông chủ lớn châu Âu - thành Diễn đàn kinh tế thế giới (Word Economic Forum) - câu lạc bộ các nhà lãnh đạo các tập đoàn xuyên quốc gia. Hằng năm Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức họp tại Davos, Thụy Sĩ.

CIPE tránh mọi liên hệ về tổ chức với Diễn đàn Davos và hiện không thể tìm ra một bằng chứng nào khẳng định Diễn đàn kinh tế thế giới là một công cụ của CIA. Ngược lại, những người có trách nhiệm của Davos còn tìm cách giải thích lý do vì sao một số lãnh đạo chính trị lại chọn Diễn đàn kinh tế này để trao đổi về những sự kiện tối quan trọng mà chính Hội đồng quốc gia Mỹ cũng quan tâm.

Thí dụ, vào 1988 tại Davos, chứ không phải tại LHQ, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp ước hòa bình. Năm 1989 cũng tại Davos, hai miền Nam - Bắc Triều Tiên có cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên, còn hai nước Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên bàn thống nhất nước Đức. Năm 1992 tại Davos, Fredric de Klerk và Nelson Mandela (sau khi được trả tự do) cùng nhau xuất hiện lần đầu tiên ở nước ngoài giới thiệu một đề án chung cho Nam Phi. Cũng tại Davos vào 1994, sau Thỏa thuận Oslo, Shimon Peres và Yasser Arafat thảo luận và ký thực hiện hòa bình tại vùng Gaza và Jérico.

Mối quan hệ giữa Diễn đàn với Washington được thực hiện thông qua bà Susan K. Reardon, cựu giám đốc tổ chức chuyên trách về người lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ, người sau này phụ trách Quỹ của Phòng Thương mại Mỹ, cơ quan điều hành CIPE.

Một thành công khác của CIPE đó là Transparency International (Minh bạch quốc tế - TI). Tổ chức phi chính phủ này chính thức do một sỹ quan tình báo quân sự Mỹ, Michael J. Hershman, cũng là một lãnh đạo của CIPE và hiện là cán bộ phụ trách tuyển chọn cơ sở cung cấp thông tin cho FBI và đồng thời là Tổng giám đốc cơ quan tình báo tư nhân Fairfax Group, thành lập.

TI trước hết đóng vai trò là vỏ bọc cho các hoạt động tình báo kinh tế của CIA. Nó cũng là một công cụ thông tin thúc ép các nước thay đổi luật pháp theo hướng mở cửa thị trường của họ.

Để che đậy bản chất của TI, CIPE phải nhờ cậy đến công nghệ của cựu giám đốc báo chí của Ngân hàng thế giới, nhân vật tân bảo thủ Frank Vogl. Ông này đã cho ra đời một Ủy ban tư vấn, tạo ấn tượng đây là một tổ chức có nguồn gốc từ xã hội dân sự. Ủy ban "trang trí" trên do Peter Eigen, cựu Giám đốc Ngân hàng thế giới ở Đông Phi, có vợ là ứng cử viên Tổng thống Đức của SPD vào năm 2004 và 2009, lãnh đạo.

Công việc của TI phục vụ quyền lợi của nước Mỹ, đó là điều chắc chắn. Vào 2008, chính NGO này đã vu cáo PDVSA, hãng dầu lửa quốc gia Venezuela, tội hối lộ và trên cơ sở thông tin giả này, PDVSA đã bị đẩy xuống hàng cuối cùng trong bảng xếp hạng các công ty nhà nước. Mục tiêu rõ ràng của TI là bôi nhọ uy tín của một công ty giữ vai trò quan trọng của đường lối kinh tế chống đế quốc của Tổng thống Hugo Chavez. Bị lột tẩy hành vi vu cáo, TI đã khước từ trả lời các câu hỏi của báo chí Mỹ-Latinh và không chịu cải chính. Không có gì ngạc nhiên và mọi người đều nhớ lại việc phóng viên của CIPE tại Venezuela, Pedro Carmona, đã được Mỹ đưa lên cầm quyền một thời gian ngắn trong khi xảy ra đảo chính bất thành năm 2002 chống lại Hugo Chavez.

Bằng cách hướng dư luận xã hội vào các vụ bê bối kinh tế, TI đã che đậy các hoạt động của NED: bê bối chính trị của giới lãnh đạo có lợi cho nhóm Anglo-Saxon.

Viện Cộng hòa quốc tế (IRI) và Viện quốc gia Dân chủ vì các vấn đề quốc tế (NDI)

IRI hiện do John McCain lãnh đạo, còn Giám đốc NDI là bà Madeleine Albright. Cả hai đều là những nhân vật chính trị nổi tiếng; một là lãnh tụ đối lập, một là cựu ngoại trưởng đã nghỉ hưu nhưng rất quan tâm đến những chương trình của Hội đồng An ninh quốc gia.

Để kiểm soát được các đảng chính trị chủ chốt trên thế giới, IRI và NDI đã từ chối lãnh đạo Quốc tế tự do và Quốc tế Xã hội. Ngược lại họ đã thành lập các tổ chức đối lập, Liên minh Dân chủ quốc tế (IDU) và Liên minh những người dân chủ (AD). IDU do một người Australia, John Howard, lãnh đạo và một người Nga, Leonid Gozman (Công lý) là phó chủ tịch. Còn AD do Gianni Vernetti (người Italia) và Francois Bayrou (người Pháp) là đồng chủ tịch.

Cả IRI và NDI đều dựa vào các tổ chức chính trị gắn kết với các đảng lớn châu Âu (6 ở Đức, 2 ở Pháp, 1 ở Hà Lan và 1 ở Thụy Điển). Ngoài ra, một vài chiến dịch được chỉ đạo bởi những công ty tư nhân bí hiểm, như Democracy International Inc. đã đứng ra tổ chức các cuộc bầu cử gian lận mới đây tại Afghanistan.

Tất cả những sự việc trên đã để lại một ấn tượng xấu. Nước Mỹ đã mua hầu hết các đảng chính trị và nghiệp đoàn lớn trên thế giới. Cuối cùng, "dân chủ" mà Mỹ quảng bá chỉ là thảo luận những vấn đề tồn tại ở mỗi quốc gia như nữ quyền hoặc về người đồng tính luyến ái và theo đuôi Washington trong mọi vấn đề quốc tế. Các chiến dịch vận động bầu cử đã trở thành những màn kịch vụng về, trong đó NED là người chọn diễn viên và cung cấp các phương tiện tài chính.

Hiện nay ở châu Âu và khắp nơi người ta chỉ trích về khủng hoảng dân chủ. Rõ ràng NED và nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc này. Làm sao có thể đánh giá chính xác một thể chế như của Mỹ khi lãnh tụ đối lập chính John McCain trong thực tế lại là cán bộ của Hội đồng An ninh quốc gia? Rõ ràng đây không thể xem là dân chủ.

Các cơ quan USAID, NED, các viện - vệ tinh và các quỹ trung gian ngày càng làm lây lan căn bệnh quan liêu. Hằng năm, mỗi khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua ngân sách dành cho NED là lại dấy lên các cuộc tranh cãi về tính hiệu quả của hệ thống các tổ chức này và những tin đồn về các vụ thất thoát tài chính mà thủ phạm không ai khác là các quan chức chính trị Mỹ lãnh đạo các tổ chức trên. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về dòng chảy tài chính trên.

Một số chuyên gia đã so sánh ngân khoản dành cho các quốc gia và thành tựu dân chủ được Freedom House ghi nhận của các quốc gia đó. Sau đó họ đem tổng chi phí chia cho số dân của các quốc gia trên để được giá thành của một người "dân chủ". Thực ra đó chỉ là hành động tự biện minh, không hề có giá trị gì về mặt khoa học. Tuyệt đại đa số các nghiên cứu trên đều đưa đến một kết luận: không hề có mối liên hệ nào giữa việc gia tăng hoặc suy giảm các nền dân chủ trên thế giới với các khoản tiền mà Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã bỏ ra. Như vậy điều đó càng khẳng định các mục tiêu thực không hề có mối quan hệ gì với những gì đã được công bố.

Năm 2003, kỷ niệm 20 năm thành lập, NED đã công bố báo cáo chính trị về thành tích hoạt động của mình, đã tài trợ cho hơn 6.000 tổ chức chính trị và xã hội trên thế giới và con số trên ngày càng tăng. NED khẳng định đã đứng ra thành lập tổ chức công đoàn Đoàn Kết (Solidarnos) ở Ba Lan, Hiến chương 77 ở Tiệp và Otpor ở Serbie. NED cũng là ông chủ của đài B92 và báo hằng ngày Oslobodjenje ở Nam Tư cũ, hàng loạt các phuơng tiện thông tin đại chúng mới tại vùng Iraq "tự do".

Sau chiến tranh lạnh, luận điệu về dân chủ hóa đã không còn mấy thuyết phục. Không ai còn tin và ủng hộ việc NED đổ tiền vào công cuộc loại bỏ khủng bố quốc tế. Họ cũng không tin là quân đội Mỹ lật đổ Saddam Hussein để mang lại một nền dân chủ cho Iraq. Dân chúng trên thế giới đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự ngày càng mất thiện cảm với NED và các tổ chức vệ tinh của NED; họ hiểu rằng các khoản tài trợ của NED thực chất là nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước họ. Nhiều nước đã bắt đầu từ chối các khoản tài trợ "vô tư" mà NED đề nghị. Sau các thất bại của CIA và những xì-căng-đan liên quan đến NED, các quan chức của Mỹ đã tính đến thành lập một cấu trúc mới nhằm lấy lại niềm tin. Cấu trúc mới này sẽ không do các nghiệp đoàn, các ông chủ và hai đảng lớn lãnh đạo, mà sẽ do các tập đoàn đa quốc gia phụ trách giống như mô hình Quỹ châu Á (Asia Foundation).

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, báo chí đã lật tẩy Quỹ châu Á là vỏ bọc của CIA nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Do vậy mà tổ chức này đã được đổi mới và việc điều hành được chuyển giao cho các tập đoàn đa quốc gia (Boeing, Chevron, Coca-Cola, Levis Strauss…). Dù đã có một bộ mặt mới ra dáng một NGO và được tôn trọng, tổ chức này vẫn tiếp tục phục vụ CIA. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Quỹ châu Á cho ra đời thêm một nhánh mới, đó là Quỹ Á - Âu (Eurasia Foundation), chuyên trách các hoạt động bí mật tại các quốc gia mới của châu Á.

Theo các thông tin được đăng công khai trên trang mạng của NED (http://www.ned.org) thì hằng năm tổ chức này đã cấp một khoản tiền lớn (trên dưới 100.000 USD) cho nhóm Quê Mẹ của Võ Văn Ái (Pháp) dưới danh nghĩa "cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam". Cụ thể: 70.000 USD (2004), 70.000 USD (2005), 97.000 USD (2006), 107.000 USD (2007), 107.000 USD (2008) và 97.000 USD (2009).

Trong nhiều năm qua, "Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam" - Quê Mẹ của Võ Văn Ái đã có những hoạt động vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền. Mới đây trước thềm Diễn đàn nhân dân ASEAN đuợc tổ chức tại Hà Nội (23-27/9/2010), nhóm của Võ Văn Ái âm mưu tổ chức buổi họp báo quốc tế tại Bangkok (13/9) công bố bản báo cáo "Từ viễn mơ đến thực tế: Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN" vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền. Tuy nhiên chính quyền Thái Lan đã kịp thời ngăn chặn ý đồ trên của Võ Văn Ái. Hành vi nhận tiền từ NED của nhóm Võ Văn Ái để hoạt động dưới chiêu bài dân chủ nhân quyền chống Việt Nam đã bị các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài kể cả những nhóm chống cộng lên tiếng phản đối.n

Nguyễn Đình - Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu số 34

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét