Kinh tế 24h qua: Trung Quốc tiếp tục “mua thế giới”

VnEconomy
DIỆP ANH
23/12/2010 09:26 (GMT+7)

Trung Quốc tiếp tục mua vào các doanh nghiệp năng lượng.

Tập đoàn điện lực lớn nhất Trung Quốc State Grid vừa trả 989 triệu USD để mua 7 công ty điện của Brazil
Tập đoàn điện lực lớn nhất Trung Quốc State Grid vừa trả 989 triệu USD để mua 7 công ty điện của Brazil. Theo đó, State Grid sẽ giành quyền vận hành lưới điện của khu vực đông nam Brazil trong 30 năm và có thể được gia hạn 20 năm khi hết hạn.

Thông tin trên được hãng thông tấn AFP hôm qua dẫn thông báo của Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước thuộc Chính phủ Trung Quốc cho hay.

State Grid xếp thứ 8 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2010 do tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn. Tập đoàn nhà nước này hiện đang vận hành đường dây điện của 26 trong tổng số 32 tỉnh và vùng của Trung Quốc.

Thương vụ trên tiếp tục giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thâm nhập thị trường năng lượng giàu tiềm năng của khu vực Nam Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 3/2010, Công ty dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mua 50% cổ phần của hãng năng lượng Bridas ở Argentina và liên doanh CNOOC - Bridas vừa bỏ ra 7,06 tỉ USD để mua 60% cổ phần của Pan American Energy.

Cũng liên quan tới vấn đề năng lượng, hôm qua, Trung Quốc bắt đầu nâng giá xăng dầu thêm lần lượt 3,8% đến 4%, do giá dầu thế giới tăng, bấp chấp những lo lắng về lạm phát.

Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế nước này, công bố quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ 2 trong 2 tháng. Quyết định này cũng được đưa ra ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của nước này tăng 5,1%, mạnh nhất từ tháng 7/2008.

Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người nông dân, người đánh cá, làm trong lĩnh vực nông nghiệp và giao thong công cộng. Ủy ban sẽ không nâng giá chi phí giao thông tại khu vực nông thôn và thành thị trong đó bao gồm chi phí đi lại bằng xe bus, tàu và máy bay ngay cả sau khi giá nhiên liệu tăng.

Gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát, như kiểm soát giá cả, hạn chế tín dụng, sau khi chi hàng tỷ USD để kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Việc tăng giá nhiên liệu sẽ đóng góp 0,07% vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010.

Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu điều chỉnh lần cuối cho thấy, GDP quý 3 của nước này tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức ước tính 2,5% được công bố lần trước, nhưng thấp hơn kỳ vọng 2,8% của giới phân tích.

Động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo ban đầu là sự cải thiện của lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, đà mở rộng phần nào bị hạn chế bởi sự điều chỉnh tăng của số liệu nhập khẩu.

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 1,7% trong quý 2 và bứt phá mạnh 3,7% trong quý 1. Các chuyên gia cảnh báo, nếu nền kinh tế không tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp 9,8% sẽ không thể suy giảm nhanh, đủ để đem lại việc làm cho hàng triệu người dân Mỹ.

Theo thống kê, có hơn 8 triệu người Mỹ mất việc làm sau cuộc suy thoái vừa qua và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao chưa từng thấy kể từ đầu thập kỷ 1980.

Theo bà Meredith Whitney, nhà phân tích tài chính hàng đầu của Mỹ, hơn 100 thành phố của Mỹ có khả năng phá sản vào năm 2011 do đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ vay với tổng nợ có thể lên đến 2.000 tỉ USD.

“Đây là vấn đề quan trọng nhất và lớn nhất đe dọa đến nền kinh tế Mỹ, sau vấn đề nhà đất. Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ chứng kiến một sự vỡ nợ hàng loạt ở các thành phố của Mỹ. Có khoảng 50-100 vụ vỡ nợ lớn, giá trị hàng trăm tỉ USD” - kênh CBS dẫn lời bà Whitney.

Thị trưởng thành phố New Jersey Chris Christie cho biết, nguy cơ vỡ nợ của thành phố này là bởi “chúng ta chi tiêu quá nhiều, chúng ta tiêu tiền mà chúng ta không có và vay tiền một cách điên cuồng”.

Nhiều bang và thành phố của Mỹ đã bội chi, chi vượt 500 triệu USD tiền thuế họ thu được và đang phải đối mặt với lỗ thủng 1.000 tỉ USD trong quỹ trợ cấp của địa phương. Khủng hoảng nợ đang chạm tới tận các cơ quan công quyền địa phương thay vì cấp bang và thành phố như trước đây - kênh truyền hình CBS cho biết.

Xuất khẩu Nhật Bản đã tăng tốc lần đầu tiên trong 9 tháng. Sự cải thiện của nhu cầu toàn cầu đã giúp kinh tế nước này đương đầu với việc đồng Yên leo thang lên mức cao 15 năm.

Theo công bố hôm qua của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu tháng 11 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 7,8% trong tháng 10, nhưng thấp hơn dự báo trung bình 10,3% từ 19 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg.

Nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc và châu Âu là những yếu tố chính, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của Nhật Bản, từ đó làm dịu bớt những lo ngại rằng, xứ sở hoa anh đào đang đánh mất dần động lực phục hồi chính của nền kinh tế.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 17,6% trong tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng 10,1% so với cùng kỳ 2009, hơn hẳn mức giảm 1,9% hồi tháng 10.

Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura Securities tại Tokyo, nhận định, xuất khẩu của Nhật Bản nhiều khả năng phục hồi trong quý đầu năm tới, nhờ sự cải thiện ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực của đồng Yên mạnh có thể dần biến mất. Xuất khẩu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm tới.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại tháng 11 của nước này thu hẹp so với cùng kỳ năm ngoái khi nhập khẩu tăng 14,2%, mạnh hơn đáng kể so với xuất khẩu. Cụ thể, thặng dư thương mại tháng 11 đạt 162,8 tỷ Yên.

Trong khi đó, theo dự báo đưa ra hôm qua của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2011 sau khi đồng Yên tăng đến 11% so với đồng USD trong năm nay.

Theo dự báo, GDP năm tài khóa 2011 bắt đầu từ ngày 1/4 năm sau có thể tăng 1,5%, thấp hơn một nửa so với mức dự báo cho năm nay là 3,1%. Chính phủ Nhật cũng hạ đánh giá về xuất khẩu do sự leo thang mạnh lên mức cao 15 năm của đồng Yên so với USD.

“Với việc đồng JPY đang đứng ở các mức cao như hiện nay, xuất khẩu rất khó tăng trưởng thậm chí khi nhu cầu tại các quốc gia phát triển, mà chủ yếu là Mỹ, phục hồi”, chuyên gia kinh tế Takuji Okubo tại Societe Generale SA nhận định.

Chính phủ Nhật cho biết, nước này cần theo dõi sát bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của các nền kinh tế bên ngoài và sự biến động của tỷ giá. Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, kể cả can thiệp tiền tệ khi cần thiết, trong trường hợp đồng Yên tăng giá quá mạnh và sự kéo dài của tình trạng này sẽ đe dọa đến sự bình ổn tài chính và kinh tế.
Thảo luận (7 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
Long Vũ
15:02 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Nếu ai có một chút kiến thức về kinh tế và khách quan về Trung Quốc thì phải thấy rằng ý kiến của anh Văn Hưng hoàn toàn có lý và nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã nhiều lần cảnh báo về cái bong bóng Trung Quốc không sớm thì muộn cũng sẽ nổ tung...

Người Nhật cũng từng làm như người Trung Quốc hơn 2 thập niên trước đây và chính thức buớc vào 2 thập kỷ mất mát từ đấy.

Còn về GDP của Trung Quốc thì cũng chẳng phải những người rách việc, không ưa Trung Quốc bới móc làm gì... cứ căn cứ vào các chỉ số kinh tế khác như mức tiêu thụ điện, lãi doanh nghiệp, đầu tư, tiêu dùng thì thấy GDP của Trung Quốc đã được phóng đại so với thực tế rất nhiều.
Phan Bảo Lâm
14:27 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

TQ có cái hay là họ triệt để chống tham nhũng ở tận cấp Trung ương trở xuống nên khi quyết việc gì thì không xen lẫn lợi ích cá nhân vào.

Để Đảng Cộng Sản TQ được người dân thừa nhận và ủng hộ thì đảng của họ phải đi trước 1 bước, bất cứ lĩnh vực nào cũng như không cản trở việc làm ăn kinh doanh của người dân. Việc minh bạch thông tin tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước được các tổ chức tài chính TG thừa nhận.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước kinh doanh và hoạt động bằng tiền thuế của dân thì chỉ được phép lấy thu bù chi chớ không được tận thu vì lợi nhuận. Để tìm kiếm lợi nhuận, các doanh nghiệp này phải đầu tư ra nước ngoài. Những hoạt động này không đi ngược với mô hình chung của các doanh nghiệp Nhà nước khác trên TG (các nước tư bản lâu đời như Mỹ, Đức, Anh cũng có các tập đoàn kinh tế Nhà nước với chức năng hoạt động tương tự).

Ở những lĩnh vực quan trọng có liên hệ hữu cơ với nhiều ngành kinh tế khác, cái gì tư nhân không làm được thì Nhà nước làm (chớ không để cho nước ngoài làm nhằm tránh bị phụ thuộc), đó chính là nguyên tắc chung xuyên suốt của mọi Nhà nước bất kể quốc gia nào.

Nếu 1 lĩnh vực nào đó có vài ba công ty tư nhân cạnh tranh nhau bao quát cả quốc gia thì Nhà nước sẽ không tham gia vào mà chỉ can thiệp bằng chính sách và luật pháp. Các quốc gia tư bản vẫn có luật quốc hữu hóa để "cứu" các công ty tư nhân lớn bên bờ vực phá sản nhằm giữ công ăn việc làm cho người lao động bằng cách mua lại những công ty đó.

Sau khi tái cơ cấu, Nhà nước sẽ tư hữu hóa những doanh nghiệp đó thông qua thị trường chứng khoán để thu hồi lại tiền, thực chất là tiền thuế của dân. Nhà nước có thể trả nợ thay và thu hồi vốn lại sau đó, không có chuyện "trợ cấp" hay "cho không biếu không".

Nghĩ rằng Nhà nước tư bản cái gì cũng tư hữu là không đúng. Nên nhớ rằng, lãnh đạo Nhà nước phụ thuộc vào lá phiếu cử tri, 1 vài ông chủ tỷ phú không đủ số phiếu áp đảo so với hàng ngàn người có thu nhập xoàng xoàng. Các ông chủ kinh doanh phát đạt tạo việc làm cho người lao động thì Nhà nước hoan nghênh và tạo điều kiện tối đa, bằng ngược lại Nhà nước sẽ "đá đít" họ ngay. Người lao động không cần biết ai là lãnh đạo, ai là ông chủ, cứ có việc làm và thu nhập ổn định, mức sống nâng cao là họ sẽ bầu cho người đó.

Nhà nước TQ không giống Nhà nước tư bản, nhưng họ cũng nhận biết được sự bất lợi khi thiếu 2 từ "dân chủ" nên họ phải cố gắng làm vừa lòng người dân ở mức đa số có thể chấp nhận. Đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của TQ.

Việc thất nghiệp ở Mỹ không giống ở VN. Người lao động Mỹ không có cái gọi là "lao động cơ bản", ai cũng có trình độ kỹ năng nhất định ở ngành nghề nào đó được chứng minh bằng bằng cấp mà họ có. Họ làm việc gì cũng phải dựa vào bằng cấp. Nói cách khác, bằng cấp chính là giấy phép hành nghề của họ.

Ví dụ, nếu bạn am hiểu về điện mà không có bằng cấp nào về điện thì bạn chỉ được sửa điện trong nhà của bạn hay sửa miễn phí cho ai đó chớ không được hành nghề kiếm tiền. Bạn muốn làm CEO thì bạn phải có bằng kinh tế rồi mới đến chuyện được bổ nhiệm chớ không phải ai cũng có thể tùy tiện được bổ vào chức danh này, bất kể là Nhà nước hay tư nhân. Không có chuyện làm trái ngành nghề đâu trừ phi bạn có nhiều bằng cấp khác nhau. Đó chính là nguyên nhân thứ 1 của thất nghiệp ở Mỹ.

Nguyên nhân thứ 2 là... thu nhập. Trừ những thứ có giá trị nhỏ, những thứ có giá trị lớn như xe hơi, vật dụng tiện nghi có giá từ vài trăm đô trở lên đều mua bằng hình thức trả góp vì hơn 70% thu nhập đã đóng vào các khoản thuế và bảo hiểm (bảo hiểm cũng là hình thức tiết kiệm). Tất cả các khoản này là mức đóng ổn định hàng tháng.

Bạn bị thất nghiệp và không có khả năng đóng tiền nữa, thuế thì khỏi đóng ngược lại bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp với giá trị bằng 2-3 lần khoản thuế mà bạn vẫn đóng hàng tháng (điều này làm người ta tự giác đi nộp thuế khi có thu nhập chớ không chờ ai đốc thúc, nó không phải là loại trợ cấp "cứu đói" cho người mới nhập cư vì những người này chưa từng đóng thuế), bảo hiểm trả tiền lại cho bạn sau này bạn có tiền thì đóng lại từ đầu hoặc cho bạn hoãn dài hạn có tính đến lãi suất, vật dụng thì bị thu hồi (trả góp nói nôm na là khấu hao + lãi).

Trong điều kiện đó, người ta thà bị thất nghiệp để hưởng trợ cấp chờ tìm việc nơi khác có mức thu nhập như cũ hoặc thấp hơn chút đỉnh chớ không chịu "hạ mình" làm những việc có mức lương khiêm tốn so với mức lương cũ. Đó là bản chất của thất nghiệp ở Mỹ. Việc làm thì không thiếu nhưng người ta có đủ điều kiện bằng cấp và chấp nhận mức lương ấy không lại là chuyện khác.

Chính vì thế, Nhà nước tư bản khuyến khích người ta làm tư là ở chỗ đó, tức là tự mình tạo ra việc làm, tạo thu nhập cho mình và cho người khác. Khoảng cách giữa người làm công và ông chủ không có cách biệt lớn như ở châu Á. Bất cứ lúc nào, "ông" cũng có thể biến thành "thằng" và ngược lại, trừ những người được coi là triệu phú hay tỷ phú.
Nguyễn Lưu
13:21 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Câu bình luận của anh Văn Hưng rất thường gặp trên các diễn đàn kinh tế của các báo phương Tây như The Economist hay BusinessWeek, từ các độc giả nhiều nước, đặc biệt là phương Tây và Ấn Độ.

Do không cạnh tranh được với Trung Quốc, báo chí các nước này thường xuyên đưa ra những lời bình luận phiến diện, mang tính công kích, nói xấu một cách vô căn cứ.

Sự công kích của báo chí phương Tây đã trở nên lố bịch đến mức việc chính phủ Trung Quốc đưa nước sạch và trường học đến cho người Tây Tạng cũng bị coi là một hành động phá hủy văn hóa của người Tạng.

Chúng ta ở ngay cạnh Trung Quốc, là cơ hội rất lớn để học tập kỹ năng quản lý, thái độ làm việc nghiêm túc của người Trung Quốc, tỉ lệ tiết kiệm cao để có tích lũy đầu tư của họ…là những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Trung Quốc hiện nay, cũng như các dân tộc Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan… trước đây.

Nhưng thay vì thế, một số người vẫn lặp lại một cách máy móc những lời chỉ trích của báo chí phương Tây. Đây là thái độ không đáng hoan nghênh.

Nếu cần chỉ trích, chúng ta hãy tự tìm hiểu và nêu ra những vấn đề nào đáng phải chỉ trích từ quan điểm của chúng ta.

Một số báo Việt Nam hiện nay bê nguyên các bài chỉ trích chính sách phát triển Trung Quốc từ báo phương Tây một cách máy móc, trong khi trên thực tế, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam hầu như cũng không khác mấy, chỉ là do kinh tế Việt Nam nhỏ, không có ảnh hưởng đến thế giới nên không được thế giới quan tâm nhiều.
BaT
11:59 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Tôi không đồng tình lắm với ý kiến của bạn Văn Hưng vì 2 lý do:

(1) Trung Quốc hiện nay không phải không tích tụ tài sản, điển hình là họ vẫn mua vào và cân đối dự trữ ngoại hối cũng như kim loại vàng.

(2) Trung Quốc đang tận dụng cơ hội này để mua các tài sản cực kỳ quý với giá rẻ mạt đó là: “các công nghệ quản trị công ty tiên tiến, công nghệ sản xuất, dây chuyền cung ứng, và các bằng sang chế độc quyền”.

Tôi thật sự rất ấn tượng với cách đầu tư mạo hiểm nhưng rất khôn ngoan của người Trung Quốc. Cái mà “người khổng lồ” khát khao nhất bây giờ chính là các cách thức quản trị công ty tốt nhất để đưa doanh nghiệp TQ vượt ra ngoài biên giới, thoát khỏi vỏ bọc che chở của Chính Phủ và tự lớn mạnh.

Có 1 cách tiết kiệm thời gian nhất để xây dựng cho chính mình 1 hệ thống quản trị tốt đó là mua lại từ “kẻ khổng lồ” khác, mà điển hình ở đây là các công ty Mỹ.
Quang Ton
11:56 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Trong những năm qua, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động mua bán các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Điều này không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp Trung Quốc mà diễn ra ngay tại những gói viện trợ của Trung Quốc thông qua các Hợp đồng (trong các chuyến công du), các dự án mua trái phiếu của các Chính phủ (đang bị mắc nợ nhiều như Hy Lạp chẳng hạn). Từ đó tăng cường mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Quả đúng là nước cờ rất khôn ngoan và táo bạo.

Nếu Quý vị sâu chuỗi lại các vấn để thì Trung Quốc đã viện trợ cho các các nước tại Châu Phi để các nước này không công nhận độc lập của Đài Loan. Và đây cũng có thể là một chiêu bài trong các gói mua trái phiếu mà Chính Phủ Trung Quốc đang thức hiện.

Còn nữa, tại Campuchia, Trung Quốc cũng tăng cường ảnh hưởng bằng cách viện trợ nhiều thứ.

Chính vì chi phí quá rẻ và sử dụng tình báo kinh tế… nên Trung Quốc đã phát triển quá nhanh hơn chúng ta nghĩ.

Các bạn có ý kiến nào khác không?
Bình
11:31 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Rất đồng ý với ý kiến với bạn Văn Hưng... Nền kinh tế Trung Quốc có vấn đề mất cân đối nghiêm trọng vĩ mô, lãng phí vốn nghiêm trọng, quá ít cơ hội để đầu tư trong nước, thời mà nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhờ đầu cơ và bong bóng nhà đất sắp qua rồi.

Đúng như một chuyên gia kinh tế từng nói là Trung Quốc ngày càng nhiều tiền thêm nhưng chẳng giàu có thêm vì phần nhiều trong con số GDP mà Trung Quốc công bố là không có thật, nó là ảo.
Văn Hưng
10:28 (GMT+7) - Thứ Năm, 23/12/2010

Cái điều nghịch lý mà ít ai thấy là TQ tuy ngày càng giàu nhưng lại không thủ đắc tài sản trong nước mà lại thích đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển để mua lại tài sản của doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tiên tiến đó.

Câu trả lời có thể dễ hiểu nhất là hệ thống kinh tế nội địa của TQ có vấn đề cho dù con số GDP ngày càng làm sửng sốt những người nhẹ dạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét