Dư luận thế giới đổ dồn về bán đảo Triều Tiên

VTV:
Thứ hai, 20/12/2010, 10:00 GMT+7

Hôm nay, dư luận thế giới đã đổ dồn về bán đảo Triều Tiên, nơi quân đội Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeongbất chấp cảnh báo về cuộc chiến tranh của Triều Tiên và những khuyến cáo của Hội đồng bảo an LHQ.

Dư luận thế giới đổ dồn về bán đảo Triều Tiên

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong ngày 17/12.
Giải thích cho quyết định này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, đây là hoạt động thông thường và chỉ nhằm mục đích tự vệ, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động trả đũa.
Sau vài giờ trì hoãn do thời tiết xấu, cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc đã bắt đầu lúc 14h30 ngày 20/12 ( giờ địa phương), tức 12h30 giờ Việt Nam. Thông tin này đã được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố.
Ông Kim Young-sun, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói: “Cuộc tập trận bắn đạn thật trên đảo Yeonpyeong là hoạt động thông thường và chính đáng, nhằm mục đích bảo vệ các vùng lãnh thổ và lãnh hải. Đây là vấn đề chủ quyền của chúng tôi”.
Theo Hàn Quốc, mục tiêu của cuộc tập trận là hướng Tây nam chứ không nhằm vào hướng Triều Tiên. Triều Tiên tuyên bố, bất kỳ một vụ nổ súng nào cũng sẽ rơi vào các vùng lãnh hải nước này. Để tiến hành tập trận, Hàn Quốc đã bỏ qua rất nhiều sức ép từ dư luận cả trong nước và quốc tế.
You Young-jae, Người dân Seoul: “Có lý do nào để quân đội tiến hành tập trận ở các khu vực có vấn đề? Nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện. Chính phủ cần phải chấm dứt ngay cuộc tập trận này”.
Cuộc họp khẩn cấp của HĐBA LHQ diễn ra trong suốt 8 giờ đồng hồ ngày hôm qua cũng không thể ngăn được cuộc tập trận của Hàn Quốc, bởi bản thân các thành viên thường trực của HĐBA cũng không thể đạt được một quan điểm thống nhất về vấn đề này.
Nga và Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc bỏ kế hoạch tập trận, trong khi Mỹ, đồng minh thân cận của Seoul lại cho rằng, đây là quyền tự vệ của Hàn Quốc và họ cần chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các hành động khiêu khích tiếp theo.
Ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại LHQ: “Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm thoả hiệp, nhưng không may là nó đã thất bại hoàn toàn”.
Ông Churkin cảnh báo rằng, thất bại này có thể khiến thế giới phải đối mặt với một cuộc xung đột nghiêm trọng trong thời gian tới, và quốc tế không có kế hoạch ngoại giao nào để ngăn chặn.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi mặc dù trong suốt 2 năm qua, tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng căng thẳng, nhưng mọi hành động của các bên cũng chỉ dừng lại ở các cuộc khẩu chiến hoặc cùng lắm là những vụ va chạm trên biển, chứ chưa bao giờ dẫn tới một cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên như hôm 23/11 vừa qua.
Điều lo ngại nhất của dư luận lúc này là những phản ứng từ phía Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã từng cảnh báo cuộc tập trận của Hàn Quốc sẽ dẫn đến một thảm họa đồng thời đe dọa sẽ buộc Mỹ phải trả giá thích đáng nếu để xảy ra đối đầu giữa hai miền Triều Tiên.
Cho tới lúc này, Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự im lặng này của Triều Tiên có thể chỉ là khoảng lặng trước cơn bão nếu các bên tiếp tục chính sách ăn miếng trả miếng lẫn nhau.
Đột phá trong chuyến thăm Triều Tiên của quan chức Mỹ
Trong không khí đầy lo ngại về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, có một tin tức khả quan mang lại chút ít hy vọng cho dư luận. Đó là việc Thống đốc bang New Mehico (Mỹ) Bill Richardson, người vừa kết thúc chuyến thăm Triều Tiên với tư cách cá nhân đạt được một thỏa thuận 3 điểm với Bình Nhưỡng. Đây được coi là một bước đột phá trong các nỗ lực ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên lúc này.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, Triều Tiên sẽ cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trở lại cơ sở hạt nhân Yonpyon của nước này, đồng ý chuyển ra khỏi Triều Tiên các thanh nhiên liệu hạt nhân sử dụng làm giàu urani, thành lập một Uỷ ban quân sự và thiết lập một đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên với Mỹ.

Tác giả : Nguyệt Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét