Đối diện “Họa tham nhũng”

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 14/12/2010, 07:44 (GMT+7)

TT - Tham nhũng đang “vấy bẩn” thế giới. Các công dân và những tổ chức chống tham nhũng ở nhiều quốc gia đã vạch trần “họa tham nhũng” tại đất nước mình ra sao? Những câu chuyện phóng viên Tuổi Trẻ ghi từ hội nghị quốc tế lớn nhất thế giới về phòng chống tham nhũng diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) giữa tháng 11-2010.

Kỳ 1: Lá đơn của Grégory

Buổi phỏng vấn với người nhận giải Liêm chính năm 2010 bị gián đoạn nhiều lần bởi người qua lại liên tục nhận ra anh và xin chụp ảnh chung. Tự gọi mình là một người cô độc, Grégory Ngbwa Mintsa là người đã góp phần quan trọng trong vụ kiện ba nhà lãnh đạo châu Phi vì tội biển thủ công quỹ.

Vụ việc càng thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận quốc tế sau khi Tòa Thượng thẩm Pháp ra phán quyết đầu tháng 11 năm nay cho phép tiếp tục cuộc điều tra.

Grégory Ngbwa Mintsa, một trong ba người đoạt giải Liêm chính năm 2010 - Ảnh: H.Giang

Công dân “biểu trưng”

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi cảnh sát điều tra của Pháp phát hiện lãnh đạo ba nước châu Phi là Gabon, Guinea Xích đạo và Cộng hòa Congo cùng họ hàng thân thích sở hữu nhà cửa ở những khu vực sang trọng nhất Paris hay vùng ven biển Riviera và hàng loạt xe hơi đắt tiền.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (MBQT) tại Pháp và tổ chức nhân quyền Sherpa đã đứng ra khởi kiện ba nhà lãnh đạo của ba quốc gia lần lượt là: Omar Bongo - cố tổng thống Gabon (qua đời tháng 6-2009), Teodoro Obiang Nguema - tổng thống Guinea Xích đạo và Denis Sassou-Nguesso - tổng thống CH Congo.

Tổ chức MBQT dẫn nguồn tin từ cuộc điều tra của Cảnh sát Pháp cho thấy Tổng thống Obiang sở hữu những chiếc xe hơi sang trọng có tổng trị giá hơn 4 triệu euro; cố tổng thống Bongo và người thân có 39 dinh thự; Tổng thống Sassou Nguesso và người thân có 18 nhà cửa cùng 112 tài khoản tại ngân hàng ở Pháp.

Lập luận của Tổ chức MBQT Pháp và Sherpa là những người này đã mua số tài sản trên bằng nguồn tiền bất hợp pháp. Tuy nhiên, đơn kiện của Tổ chức MBQT Pháp bị bác vì khi đó công tố viên cho rằng Tổ chức MBQT Pháp là một tổ chức dân sự và do đó không có tư cách để đệ đơn kiện.

Đó là lúc Tổ chức MBQT Pháp bắt đầu tìm kiếm một công dân Gabon để cùng đệ đơn kiện. Ngoài ý nghĩa pháp lý, sự tham gia của một công dân Gabon cũng sẽ mang ý nghĩa biểu trưng to lớn về phản ứng của người dân tại chính nước có nhà lãnh đạo bị cáo buộc tham nhũng.

“Cả nước Gabon không ai dám đứng ra làm chứng. Tôi thấy mình phải làm gì đó” - Grégory, cựu nhân viên Bộ Giáo dục Gabon, nhớ lại. Grégory hỏi ý kiến người bạn thân là Marc Ona, một nhà hoạt động vì môi trường. Phản ứng đầu tiên của Marc: “Anh có thể bị giết đấy!”. Nhưng Grégory không từ bỏ ý định.

Cùng với Tổ chức MBQT Pháp, vụ việc được kiện lên Tòa án tối cao Pháp. “Vụ việc mở ra tiền lệ một tổ chức dân sự có thể đứng ra kiện. Nó cũng chứng tỏ bất cứ những ai dùng tiền bất chính để mua sắm ở Pháp đều có nguy cơ bị phanh phui, kể cả đó là lãnh đạo nước ngoài” - Matthieu Solomon, cố vấn của Tổ chức MBQT, nói với Tuổi Trẻ.

Phải làm để thay đổi!

“Gabon là một nước giàu có, ít dân nhưng chủ yếu là dân nghèo. Một nhóm ít người đang nắm giữ của cải của đất nước cho riêng họ” - Grégory lý giải tại sao anh gia nhập đội ngũ bên nguyên đơn. Trước Grégory, chưa một ai từng đứng lên khởi kiện nguyên thủ ở các nước châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp. Ngay lập tức, sự dũng cảm của anh đã vấp phải nhiều thử thách.

“Bộ Nội vụ cử người tới gặp tôi. Ban đầu họ rất thân thiện. Người đến gặp tôi cũng là bạn học cũ của tôi. Họ đề nghị cho tôi tiền. Tôi cũng muốn có tiền nhưng tiền không thay đổi được vấn đề” - Grégory kể.

Anh muốn giải quyết vụ kiện, giảm nghèo và phát triển đất nước trong khi món tiền họ mời anh nhận không thể làm được những điều đó. Món thứ hai anh nhận được là bất cứ vị trí nào trong chính phủ mà anh muốn. “Họ bảo sẽ quay lại sau 2-3 ngày và tôi cứ suy nghĩ rồi thông báo cho họ biết tôi thích làm ở đâu, muốn lương bao nhiêu. Tôi vẫn từ chối”.

Chẳng lâu sau, “món ăn” tiếp theo được dọn đến tận nhà Grégory: ngày 31-12-2008, cảnh sát đột ngột tới bắt anh và tống vào tù với một tội danh mơ hồ là “gây mất ổn định cho nhà nước”.

Hai tuần nằm tù sau đó lại là khoảng thời gian Grégory cảm thấy thoải mái sau khi đã trải qua một đợt căng thẳng triền miên. Trái ngược với ý đồ làm anh nhụt chí, vụ bắt giữ này càng củng cố niềm tin của Grégory: “Lúc trước tôi lo ngại bị giết, lúc đó thì vào tù có nghĩa là tôi vẫn sống.”

Anh tiếp tục kể lại: “Ngay từ đầu tôi luôn suy nghĩ: một cá nhân có thể làm gì để tạo sự thay đổi? Vì vậy mỗi khi sợ hãi, tôi càng muốn mình sẽ không sợ hãi nữa. Tôi càng muốn chiến đấu tiếp. Khi ngồi tù, tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó có nghĩa là tôi đang đi đúng hướng”.

Sau hai tuần, Grégory được thả tự do và ngay lập tức bị cắt lương đột ngột không một lời giải thích. Nói về Grégory, ông Geo Sung Kim, chủ tịch MBQT Hàn Quốc và là thành viên ủy ban bình chọn giải thưởng Liêm chính, nói: “Chúng tôi chọn anh ấy vì sự dũng cảm chống lại những hành vi sai trái của nhân vật chính trị quan trọng nhất đất nước mình”.

Mặc dù trong phán quyết mới nhất Tòa án tối cao Pháp chỉ chấp nhận đơn kiện của MBQT Pháp và bác bỏ đơn của Grégory nhưng anh đã hoàn thành nghĩa vụ của mình: chứng minh cho người dân Gabon thấy một cá nhân có thể vượt qua sợ hãi để đối đầu cùng tham nhũng.

* Tuổi Trẻ: Giải thưởng Liêm chính có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Grégory: Đó là thắng lợi lớn cho tôi và cho phần châu Phi nói tiếng Pháp, bởi nó chứng minh một điều là chúng tôi có thể kiện lãnh đạo đất nước. Đó là thắng lợi lớn vì các nhà lãnh đạo sẽ buộc phải quan tâm tới dân chúng và coi họ là công dân chứ không phải nô lệ.

Tôi sẽ tiếp tục việc mình đang làm bởi tôi nghĩ rằng có một thảm kịch mà báo chí không thể phản ánh hết: tại sao hằng ngày người dân chết dần chết mòn trong bệnh viện, làng mạc, bởi vì ai đó đã chiếm đoạt cho bản thân những phương tiện giúp người dân sinh đẻ, trưởng thành, có giáo dục, được chữa bệnh, được yêu, được làm việc và có gia đình. Đó là tội ác chống lại loài người.

Truyền thông, báo chí không thể giải quyết thảm kịch đó. Một nhà báo không thể sống chung nhà một người dân và đi theo anh ta từ lúc anh ta ra đời tới lúc chết.

* Anh có thông điệp gì cho những ai cùng trong công cuộc chống tham nhũng?

- Thông điệp của tôi không chỉ liên quan tới tham nhũng mà là quyền của con người. Người dân phải biết rằng nền pháp quyền không đến từ một nhà chính trị ở nước khác tới hay một tập đoàn nước ngoài. Nó đến từ năng lực chiến đấu vì quyền của mỗi người dân. Không ai làm điều đó tốt hơn chính bản thân chúng ta. Tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm trước lịch sử về điều đó.

HƯƠNG GIANG

______________________

Một nhà báo Sri Lanka hai lần được trao giải Liêm chính, ông từng bị nghiền nát cả bàn tay khi viết bài điều tra chống tham nhũng liên quan đến các tổ chức của chính phủ...

Kỳ tới: Không thể cản trở công lý


Thứ Tư, 15/12/2010, 06:27 (GMT+7)

Đối diện "Họa tham nhũng" - Kỳ 2: Không thể cản trở công lý

TT - Nhà báo điều tra người Sri Lanka Attotage Prema Jayantha, nổi tiếng với các bài viết mang tính chiến đấu dưới bút danh Poddala Jayantha, đã nhận được giải thưởng Liêm chính quốc tế năm 2010 cho sự can đảm của mình suốt hai thập kỷ vừa qua.

Nhà báo Poddala Jayantha trong thời gian điều trị ở bệnh viện - Ảnh: WSWS

Đối diện

"Hạnh phúc nhất đối với tôi là có thể đấu tranh chống tham nhũng"

Nhà báo JAYANTHA nói với BBC sau khi giải thưởng được công bố

Ủy ban Bảo vệ nhà báo gần đây đã xếp hạng Sri Lanka là một trong những nơi tác nghiệp nguy hiểm nhất trên thế giới, khi chính phủ nước này không có động thái gì để trừng phạt những kẻ đã tấn công các nhà báo.

Còn theo Tổ chức Ân xá quốc tế, chỉ từ năm 2004 đến nay đã có hơn 30 người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông bị sát hại, đến nỗi nhiều người đã được báo cáo là phải bỏ xứ mà đi vì sợ bị một số phận tương tự.

Là tổng thư ký Hội Nhà báo Sri Lanka và là nhà vận động mạnh mẽ cho tự do ngôn luận, Jayantha luôn đi đầu trong chiến dịch truyền thông tự do tại Sri Lanka. Ông chỉ trích những hành động từ hăm dọa cho đến bắt cóc và hành hung các nhà báo.

Năm 2004, Poddala Jayantha đã đoạt giải thưởng Liêm chính quốc gia do Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Sri Lanka (TISL) trao tặng sau hàng loạt bài báo điều tra về vụ việc được đăng trên tờ Silumina. Một trong những bài báo của ông đã phanh phui vụ biển thủ tới 3,6 tỉ rupi (khoảng 37 triệu USD) thuế giá trị gia tăng (VAT) của một tổ chức chính phủ. Đây được xem là vụ lừa đảo thuế lớn nhất ở Sri Lanka và cả khu vực Nam Á.

Đầu mùa hè năm 2007, cảnh sát Sri Lanka thông báo hoàn tất cuộc điều tra về việc gian lận hàng tỉ rupi tiền thuế VAT và khởi tố bảy người tình nghi. Thứ trưởng tài chính Ranjith Siyambalapitiya cho biết Cục Điều tra hình sự đã bàn giao vụ án cho bộ trưởng tư pháp, nhưng bảy nghi phạm và lãnh đạo vẫn chưa bị bắt. Họ được cho là đã chạy trốn ra nước ngoài và hiện Interpol đang truy nã ráo riết. Tài sản của các nghi phạm đã bị đóng băng. Hai trong số nghi phạm đã bị bắt, một trong số đó là phó cục thuế.

Sau này, Bộ Tài chính đã “đóng cửa” các sơ hở có thể xảy ra gian lận và siết chặt thủ tục hơn nữa để ngăn chặn lừa đảo. Vào thời điểm vụ biển thủ này được phát hiện, đã có bài báo cho rằng nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng số tiền trong các quỹ đen ở những đơn vị này có thể lên tới 10 tỉ rupi trong vài năm qua.

Trong cuộc đời, Poddala Jayantha không cho phép các bài điều tra của mình chỉ đơn thuần là bài báo in ra để rồi lãng quên. Sau khi công bố bài báo điều tra, năm 2008 Jayantha nộp đơn tố cáo đến Cục chống gian lận Sri Lanka. Kết quả là kẻ phạm tội bị bắt giữ và kết án.

Môi trường hoạt động khắc nghiệt

Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho hơn 20 triệu dân, hệ thống báo chí của Sri Lanka có hàng chục tờ báo, có cả báo tiếng Anh, một chục tạp chí và hơn 30 đài phát thanh truyền hình cùng vô số trang thông tin điện tử.

Đây là lần thứ hai Sri Lanka giành giải thưởng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Giải thưởng đầu tiên thuộc về tổng biên tập báo Sunday Leader Lasantha Wickrematunga khi ông nhậm chức vào năm 2000.

Sau một loạt sự đe dọa ám sát, Jayantha đã bị một nhóm côn đồ bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn. Đó là khoảng 4g30 chiều 1-6-2009, tại giao lộ Embuldeniya ở Nugegoda. Ông vừa bước ra khỏi tiệm thuốc thì một nhóm sáu người đàn ông bất ngờ tiến đến trói tay ông lại và đẩy lên một chiếc xe tải màu trắng.

Trong số các nhân chứng có nhà báo và từng là cựu chiến binh Bennet Rupasinghe. Ông đã gọi ngay cho vợ của Jayantha và khuyên bà nên đến trình báo cảnh sát. Vì nạn nhân lần này là ông Jayantha nên vụ việc đã nhận sự quan tâm rộng rãi.

Trong một cuộc họp giữa tổng thống và các nhà báo gạo cội của Sri Lanka, sự việc đã được đưa ra bàn bạc. Còn công đoàn các nhà báo và những tổ chức nhân quyền liên tục tổ chức biểu tình đấu tranh cho mạng sống của ông.

Một tuần sau Poddala Jayantha được trả tự do. Sau này ông kể lại đã bị bọn bắt cóc ném vào một hố nước lầy lội bên lề đường gần một bệnh viện. Quần áo rách rưới, chân trái bị đánh đập nặng nề còn chân phải thì bị phỏng do lửa đốt. Jayantha gắng lê bước đến bệnh viện gần đó. Người ta đã nhận ra ông và nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Quốc gia ở Colombo.

Jayantha kể những kẻ bắt cóc đã bịt mắt và đánh gục ông bằng thanh sắt và gỗ, liên tục nguyền rủa ông là kẻ phản bội đất nước. Chúng nghiền nát các ngón tay trái của ông như một sự cảnh báo về nghề viết báo. Ngất đi và tỉnh lại, ngay lúc ấy Jayantha tin chắc việc tàn phế một tay cũng sẽ không cản trở được niềm tin công lý.

Điều trớ trêu là chính những đồng nghiệp của ông, những người cung cấp thông tin về vụ bắt cóc lại bị thẩm vấn! Hai nhà báo Bennet Rupasinghe và Sandaruwan Senadheera làm việc tại Lankae News đã bị cảnh sát bắt giữ và hỏi cung sau vụ tai nạn. Tòa án sau đó cho phép họ được tại ngoại bất chấp sự phản đối của cảnh sát.

“Đây rõ ràng là một kế hoạch nhằm chuyển hướng trọng tâm cuộc điều tra của cảnh sát”, Jayantha nói với BBC khi đang điều trị trong bệnh viện hồi năm ngoái. Jayantha phải viết thư đến cảnh sát trưởng để yêu cầu họ không được đối xử khắc nghiệt với những người đã cứu mạng mình.

“Đại sứ các nước phương Tây đã nói với tôi nhiều về việc rời khỏi Sri Lanka từ trước khi tôi bị tấn công, nhưng tôi không bao giờ muốn rời khỏi đất nước”, ông nói với báo chí như vậy.

Thậm chí ông đã từ chối với thái độ coi thường những gợi ý sẽ có được thị thực tại một quốc gia phương Tây nào đó. Nhưng rồi áp lực nặng nề, thông tin liên tục về những nhóm vũ trang đang cố gắng bắt cóc Jayantha đã khiến nhà báo này không còn sự chọn lựa. Ông ngậm ngùi chuyển sang Mỹ sinh sống.

Từ sau vụ Jayantha lưu vong thì nền báo chí độc lập tại Sri Lanka gần như sụp đổ, khi hầu hết các phương tiện truyền thông giờ đây đã “biết điều” hơn nhằm bảo đảm sự sống còn của mình!

Jayantha đã không đến Thái Lan để nhận giải thưởng Liêm chính quốc tế 2010.

Giờ đây, người ta không thể ca ngợi ông như trước vì ông không còn hoạt động ở Sri Lanka, nhưng những công sức và nỗ lực của ông xứng đáng được ghi nhận cho quá trình đấu tranh không mệt mỏi vì một nền báo chí liêm chính ở Sri Lanka.

CẢNH TOÀN

--------------------------------------------------

Frank Vogl, một nhà đồng sáng lập của Tổ chức Minh bạch quốc tế, sẽ kể về cách thức mà cả thế giới hôm nay đang làm để tiếp cận con đường chống tham nhũng...

Kỳ tới: Con đường minh bạch


Thứ Năm, 16/12/2010, 06:01 (GMT+7)

Đối diện "Họa tham nhũng - Kỳ 3: Con đường minh bạch

TT - Trong gần 20 năm gắn bó với Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), Frank Vogl không ít lần chứng kiến tổ chức này ở vai trò xúc tác để biến những cuộc trò chuyện nảy lửa ban đầu trở thành diễn đàn của sự hợp tác vì công cuộc chống tham nhũng.

Tiến sĩ Iftekhar Zaman - Ảnh: H.G.

"Điều quan trọng nhất với một cá nhân là bạn phải toàn tâm với những gì mình đi giảng giải cho người khác. Mỗi sáng thức dậy, tôi có thể nhìn mình trong gương mà nói: những gì tôi đã làm hôm qua và sẽ làm hôm nay đều là trung thực. Làm được như vậy anh mới có sức mạnh và sự dũng cảm để kêu gọi người khác"

(Tiến sĩ IFTEKHAR ZAMAN giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch quốc tế Bangladesh)

Hãy trò chuyện!

Năm 1994, chưa đầy một năm sau khi Tổ chức Minh bạch quốc tế ra đời, Frank bay sang Tanzania, một trong những nước nghèo nhất thế giới nằm ở bờ biển phía đông châu Phi. Minh bạch quốc tế tổ chức một cuộc hội thảo nhỏ ở đấy. Cả khán phòng có bốn chiếc bàn lớn gồm các hiệu trưởng trường đại học, vị thẩm phán trưởng, một vài nghị sĩ và các quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Tanzania. Đó là buổi gặp đầu tiên ở nước này về chủ đề tham nhũng. Mở đầu, từng người lần lượt giới thiệu về bản thân. Không ai nói gì nhiều. Không khí đầy sự thận trọng và nghi hoặc. Ngồi gần Frank là một cảnh sát trưởng. Sau một hồi làm quen và phát biểu, vị cảnh sát trưởng nhìn chéo qua căn phòng, chiếu thẳng vào ngài thẩm phán trưởng và nói: “Ngài thẩm phán, ngành tư pháp có rất nhiều tham nhũng”. Sự im lặng bao trùm căn phòng trong giây lát, rồi vị thẩm phán trả lời: “Nhưng ngành cảnh sát cũng tham nhũng nhiều”. Và thế là cuộc đối thoại được khởi động như thế. Frank nhớ lại: “Cả ngày hôm đó các đại diện của Minh bạch quốc tế chẳng nói gì nữa. Tự họ bắt đầu câu chuyện của mình”.

Năm 1995, Minh bạch quốc tế công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perception Index - CPI). Điểm số của Malaysia không mấy khả quan. Frank được biết một nghị sĩ Malaysia thông báo việc này cho thủ tướng và sau đó Quốc hội Malaysia đã cử một nhóm làm việc sang Berlin, trụ sở của Minh bạch quốc tế, để tìm hiểu về “chỉ số của phương Tây”. “Chúng tôi rất hài lòng” - Frank nói. Đó là lần đầu tiên tham nhũng được thảo luận công khai ở Malaysia và cho đến nay chủ đề này không còn là điều cấm kỵ trong các cuộc tranh luận.

Năm 1996, Tổ chức Minh bạch quốc tế gặp chủ tịch và các vị phó chủ tịch của Ngân hàng Thế giới đặt vấn đề: Ngân hàng Thế giới đã tồn tại nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ đề cập tham nhũng trong phát triển. Điều đó phải thay đổi. Sáu tháng sau, chủ tịch Ngân hàng Thế giới có một bài phát biểu quan trọng và tuyên bố ngân hàng coi cuộc chiến chống tham nhũng là một ưu tiên trong phát triển. Tại Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần 14 (tháng 11-2010), giám đốc điều hành của ngân hàng, bà Sri Mulyani Indrawati, đã bay tới Bangkok (Thái Lan) để trực tiếp nói lên thông điệp của ngân hàng về chống tham nhũng.

Toàn cầu chống tham nhũng

Minh bạch quốc tế có khoảng 90 tổ chức “con” ở các quốc gia thuộc đủ châu lục. Tuy là “mẹ” nhưng Minh bạch quốc tế có trụ sở tại Berlin (Đức) lại không trực tiếp “đẻ” ra các tổ chức “con”. Thông thường, các tổ chức “con” phải trải qua giai đoạn tạm gọi là tập sự để được kết nạp vào gia đình Minh bạch quốc tế. Sau khi được kết nạp, cũng có những người thuộc tổ chức minh bạch ở một quốc gia bị khai trừ khỏi đại gia đình Minh bạch quốc tế vì không tuân thủ những quy định và tôn chỉ, mục đích của tổ chức này.

"Một người không sống ở VN và không nghiên cứu về VN mà lại nói về tình hình ở đó thì quả là rất kiêu ngạo. Nếu có nói, tôi sẽ chỉ có thể đưa ra một câu trả lời ngớ ngẩn, giản đơn, không tôn trọng văn hóa, truyền thống của các bạn, cũng như không tôn trọng những người làm việc trực tiếp về vấn đề này. Bởi muốn chống tham nhũng, các bạn phải bắt đầu từ trong chứ không phải từ cách xa hàng ngàn dặm"

FRANK VOGL, một trong những nhà đồng sáng lập Tổ chức Minh bạch quốc tế

Một trong những quy định đó, theo Frank Vogl, là “chúng tôi không bình luận về hoạt động ở một quốc gia khác trừ khi chính chúng tôi tham gia công việc trực tiếp tại đó”. Frank lý giải khi được hỏi đánh giá của ông về công cuộc phòng chống tham nhũng ở VN: “Một người không sống ở VN và không nghiên cứu về VN mà lại nói về tình hình ở đó thì quả là rất kiêu ngạo. Nếu có nói, tôi sẽ chỉ có thể đưa ra một câu trả lời ngớ ngẩn, giản đơn, không tôn trọng văn hóa, truyền thống của các bạn, cũng như không tôn trọng những người làm việc trực tiếp về vấn đề này. Bởi muốn chống tham nhũng, các bạn phải bắt đầu từ trong chứ không phải từ cách xa hàng ngàn dặm”.

Frank Vogl từng là nhà báo và sau đó làm việc nhiều năm trong Ngân hàng Thế giới với tư cách cố vấn cho các thể chế tài chính lớn. Ông là người đồng sáng lập Tổ chức Minh bạch quốc tế và là ủy viên của Ủy ban Phát triển kinh tế gồm các bộ não hàng đầu của trên 200 lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ. Nhìn lại quãng đời cống hiến cho sự nghiệp của Minh bạch quốc tế, ông hóm hỉnh: “Chúng ta đang có những con người tuyệt vời từ hơn 100 nước có cùng chí hướng, lại không chỉ là những ông già không có tóc như tôi mà là những con người năng động. Họ hiểu rằng tham nhũng là tội ác chống lại loài người”.

Iftekhar Zaman là một trong những con người năng động ấy. Từ chỗ cả xã hội Bangladesh ai cũng chịu đựng các hành vi tham nhũng từ lớn tới lặt vặt, giờ đây Bangladesh là nơi có mạng lưới tình nguyện viên lớn nhất thế giới tham gia công tác chống tham nhũng. Hơn 5.000 người, trong đó phần lớn là sinh viên, có mặt ở mọi miền đất nước để giúp sức cùng Tổ chức Minh bạch quốc tế ở Bangladesh.

“Công việc của chúng tôi là hỗ trợ chính phủ vì chính phủ nói rằng họ muốn chống tham nhũng” - tiến sĩ Zaman nói. Trong quá trình đó, Minh bạch quốc tế Bangladesh đã góp phần đưa Bangladesh tham gia công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, thiết lập một ủy ban chống tham nhũng độc lập của Bangladesh và soạn thảo Luật bảo vệ người tố cáo.

Ở một lục địa khác, Sanyi Emmanuel Sanyi, 30 tuổi, cũng đang hằng ngày thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cho giới trẻ Cameroon. Sanyi dùng âm nhạc, tranh vẽ, hoạt hình... để đưa vấn đề minh bạch và liêm chính đến gần hơn với thanh niên. Anh tự hào nói về công việc của mình: “Tôi có kinh nghiệm và có thể tìm việc có thu nhập cao hơn, nhẹ nhàng hơn nhưng tôi tin vào việc mình đang làm. Vợ tôi cũng ủng hộ điều đó”.

HƯƠNG GIANG

___________________

Vị cựu thẩm phán già Barry O’Keefe dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi về cách thức chuẩn bị bộ giá trị chống tham nhũng cho giới trẻ và câu chuyện niềm tin để kiên nhẫn đi con đường dài...

Kỳ tới: Không ai chống tham nhũng trong một đêm


Thứ Sáu, 17/12/2010, 04:14 (GMT+7)

Đối diện “Họa tham nhũng” - Kỳ cuối: Không ai chống tham nhũng trong một đêm

TT - Vị cựu thẩm phán già Barry O’Keefe là người không thể không nhắc tới mỗi khi Hội nghị chống tham nhũng quốc tế tụ họp hai năm một lần. Ông hào hứng dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn về câu chuyện chống tham nhũng bằng những trải nghiệm của mình.

Ông Barry O’Keefe, chủ tịch hội đồng Hội nghị chống tham nhũng quốc tế - Ảnh: H.Giang

Câu chuyện niềm tin

“Trước hết phải có lòng tin - ông bắt đầu như vậy - Người ta lo lắng niềm tin của mọi người từ các châu lục khác nhau đang bị xói mòn bởi những người đứng đầu đất nước nói một đằng làm một nẻo. Họ cứ nói nhưng không làm việc cần làm. Ban đầu việc này khiến người dân bắt đầu nghi ngờ và mất lòng tin ở chính phủ và các thể chế công khác như hải quan, ngân hàng dự trữ... Rồi điều đó dẫn tới sự thờ ơ của mọi người. Họ nói: “Chuyện quái gì đang diễn ra thế này? Chúng ta bất lực rồi, phải chấp nhận thôi”. Vì thế chúng ta phải khôi phục lòng tin thì mới chống tham nhũng được”.

* Vậy công cuộc chống tham nhũng đang đi về hướng nào, thưa ông?

- Chúng ta phải nhìn vào các chiến lược cụ thể và đề xuất các kế hoạch hành động. Làm sao để thúc giục các thể chế thông qua kế hoạch hành động và thực hiện trong thời gian dài. Tất nhiên việc xác định hiệu quả thật sự của kế hoạch hành động cần có thời gian, vì tham nhũng không xảy ra trong một đêm và việc giảm hay loại bỏ nó cũng là vấn đề thời gian.

* Làm thế nào để khôi phục lòng tin vào cuộc chiến lâu dài đó?

- Tham nhũng là chuyện bí mật. Chẳng ai đưa việc mình tham nhũng lên trang nhất tờ báo mà sẽ cửa đóng then cài để làm việc đó. Nếu một vụ tham nhũng được phanh phui, những dữ kiện của vụ việc đó sẽ trở nên công khai, người có tội có thể bị xét xử. Suy cho cùng, không ai trong số chúng ta muốn bị gắn mác tham nhũng. Hầu hết chúng ta đều mong sao có thể nói rằng mình tự hào về công việc. Đó là điều ta không thể nói được nếu làm việc cho một cơ quan tham nhũng.

Vì vậy, minh bạch là việc đưa các hành động ra ánh sáng khiến mọi người biết việc gì đang diễn ra. Đây là một công việc chủ yếu của quá trình khôi phục lòng tin. Khi bạn biết dữ kiện thực tế, bạn có thể tự xây dựng ý kiến của mình mà không rơi vào tình trạng mơ hồ. Trong phần lớn trường hợp, sự không tin tưởng lẫn nhau là sản phẩm của tội phạm hoặc của việc thiếu thông tin về những gì đang diễn ra. Một loại tội ác như tham nhũng, nếu đưa nó ra công luận sẽ góp phần giảm và tiến tới loại trừ nó.

* Có ý kiến cho rằng minh bạch không phải là trở ngại cho quá trình chống tham nhũng nữa mà là trách nhiệm giải trình. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Trách nhiệm giải trình là đưa những người làm việc phi pháp, tham nhũng ra công lý. Tôi cho rằng khi có minh bạch sẽ dẫn tới có trách nhiệm giải trình. Điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra và sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng chắc chắn trách nhiệm giải trình sẽ đến sau khi có minh bạch.

Dạy giới trẻ bộ giá trị chống tham nhũng

* Ở Thái Lan, một cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người được hỏi chấp nhận tình trạng tham nhũng của quan chức, miễn là người ấy đem lại sự thịnh vượng về kinh tế cho đất nước. Với một xã hội mà người dân thờ ơ với tham nhũng và không xấu hổ khi dính líu vào tham nhũng thì phải làm thế nào?

- Nói như thế cũng có khác gì nói rằng bạn được ăn cắp miễn là đừng ăn cắp nhiều. Sự minh bạch sẽ được rộng lớn hơn nếu số người im lặng với tham nhũng không còn im lặng nữa. Hãy lấy số liệu của Thái Lan: 100 triệu baht bị thất thoát khỏi ngân sách nhà nước trong quá trình đấu thầu công. Đó là khoản tiền rất lớn, sẽ làm được nhiều điều cho những người dân cần giúp đỡ.

Có một nghiên cứu được thực hiện tại một nước châu Phi mà tôi sẽ không nói tên. Câu hỏi là: Thu nhập của gia đình bạn trong một năm bình quân bao nhiêu? Trả lời: 500 USD. Câu hỏi tiếp là: Bạn dành bao nhiêu trong số đó để hối lộ? Trả lời: 40%. 500 USD/năm đã là một khoản tiền quá ít ỏi cho một gia đình mà lại còn phải dành phần lớn trong số đó cho hối lộ.

Tôi tin với các chương trình mang tính thuyết phục cao, người dân sẽ nói rằng họ muốn không phải trả tiền hối lộ. Ngoài ra, tham nhũng cũng có khía cạnh đạo đức. Đó là cách một cá nhân phản ứng trong một hoàn cảnh nhất định. Vì thế giáo dục là biện pháp quan trọng. Chúng ta dạy học sinh về cái giá của tham nhũng trong suốt quãng thời gian đi học, khi vào đời họ sẽ có một bộ giá trị riêng của mình mà không thờ ơ và không đi ngược lại sự liêm chính.

* Điều khác biệt nào trong chống tham những giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thưa ông?

- Nguyên tắc thì giống nhau, cách áp dụng có thể khác nhau. Ví dụ các nước giàu tài nguyên có thể có nguyên tắc giống nhau. Nhưng cần nhớ một vụ tham nhũng có hai phía: bên đưa và bên nhận. Sẽ là sai lầm khi chúng ta chỉ tập trung vào bên nhận. Ở các nước phát triển hơn, việc áp dụng các nguyên tắc có thể dễ dàng hơn vì họ đã có các thể chế cần thiết.

* Để một quốc gia phòng chống tham nhũng hiệu quả, ông nghĩ cần phải có những yếu tố gì?

- Bạn sẽ cần một loạt những điều sau: một hệ thống tư pháp không tham nhũng, tự do báo chí, sự ủng hộ của người dân, một hệ thống chính trị mà tại đó người ta có thể đặt câu hỏi chất vấn việc chính phủ làm ...

HƯƠNG GIANG thực hiện

Thỏa ước liêm chính

Hiện nay thế giới có nhiều công cụ kỹ thuật để hỗ trợ các quốc gia trong cuộc chiến đấu cam go này. Thỏa ước liêm chính là một trong số đó. Đó là một quá trình bao gồm sự thỏa thuận giữa chính phủ hoặc một cơ quan chính phủ và tất cả các bên tham gia đấu thầu một hợp đồng trong lĩnh vực công. Quyền lợi và trách nhiệm của các bên khi ký kết thỏa ước này là: không một bên nào sẽ trả tiền, đề nghị trả tiền, yêu cầu hay chấp nhận hối lộ; không bên nào thông đồng với đối thủ để đạt được hợp đồng; không bên nào được dính líu vào các kiểu lạm dụng trong khi thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, Tổ chức Minh bạch quốc tế cũng có các chỉ số đo những khía cạnh khác nhau của tham nhũng: chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số đưa hối lộ (BPI), phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB)... Quá trình áp dụng những công cụ này không hề dễ. Mỗi năm công bố CPI, Tổ chức Minh bạch quốc tế nhận được không biết bao nhiêu phản ứng giận dữ từ những nước bị xếp hạng thấp.

Hay các bên hô hào nhau ký vào Thỏa ước liêm chính rồi để đó như trường hợp ở Ấn Độ. “Sau một thời gian, chúng tôi nhận ra các bên không tuân thủ thỏa ước. Nó chỉ giống như trò hù dọa trẻ con thôi” - bà Anupama Jha (Tổ chức Minh bạch quốc tế, Ấn Độ) nói.

____________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét