Muốn biết lãi suất thực, người gửi tiền phải có "vỏ", hoặc là khách VIP (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: Anh Vũ |
Kín đáo, an toàn - là tiêu chí được ông chủ các ngân hàng quán triệt một cách hết sức triệt để tới toàn thể nhân viên của hệ thống. Nếu trước kia, khách hàng có thể dùng điện thoại gọi tới các chi nhánh và phòng giao dịch để dò la, thì nay câu trả lời thường trực của tất cả nhân viên ngân hàng: “Lãi tiền gửi cho mọi kỳ hạn, mọi khoản tiền của NH em cao nhất 14%/năm thôi ạ”. Tuy nhiên, đằng sau mức LS đồng thuận này là rất nhiều chiêu thức tăng LS được các NH sử dụng.
“Có một chương trình nho nhỏ”
Chị T.Huyền (Thanh Nhàn, Hà Nội) tới chi nhánh một ngân hàng cổ phần để gia hạn cuốn sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng, hỏi LS cô nhân viên cũng chỉ thông báo kỳ hạn 1 tháng là 14%/năm. Tuy nhiên, khi nói sẽ tất toán sổ để chuyển qua NH khác thì giao dịch viên này ngay lập tức tiết lộ: “Có một chương trình nho nhỏ tặng LS bằng tiền mặt ngay cho khách hàng, chị có thể tham gia”. Theo nhân viên này, khách hàng chỉ cần cam kết không rút tiền trước hạn thì ngoài mức LS công bố tùy kỳ hạn gửi, khách sẽ được thưởng ngay tiền mặt với mức LS từ 1-2%/năm, căn cứ trên số tiền thực gửi.
Việc các NH “rút lui vào bí mật”, dùng nhiều chiêu thỏa thuận với khách hàng như trên theo một chuyên gia NH, không hiếm. Hiện, những biện pháp hành chính NHNN đang áp dụng như áp trần LS 14% đang tạo ra sóng ngầm cạnh tranh LS gay gắt giữa các NH. Các NH khát vốn, NH nhỏ không đủ lực cạnh tranh; khách hàng thì muốn LS cao dẫn đến việc thỏa thuận giữa hai bên. NHNN rất khó để kiểm soát.
Không chỉ thưởng LS bằng tiền mặt trực tiếp cho khách hàng, giám đốc chi nhánh một NHTM cổ phần tại Hà Nội còn tiết lộ, hiện không ít nhà băng đang sử dụng cả chiêu thức “hợp đồng bút chì” để ghi thêm LS thưởng, khuyến mãi cho khách hàng. “Hợp đồng mực bút bi là 14%/năm đúng như đồng thuận, tuy nhiên NH lại ghi bằng bút chì mờ bên cạnh để cộng thêm LS từ 1-2% cho khách hàng” - ông nói.
Tổng giám đốc một NHTM cổ phần tại TP.HCM tỏ ra ngán ngẩm khi thấy cảnh các NH đồng thuận nhưng không đồng lòng, dùng nhiều thủ đoạn để giành giật khách của nhau. Theo thông tin mà ông có được, các ngân hàng đối thủ đang “đẻ” ra đủ thứ hợp đồng đầu tư, hợp tác với khách hàng để hợp thức hóa LS nếu khách hàng muốn. Trong hợp đồng ghi LS 14%, nhưng dưới kèm theo điều khoản đến ngày đáo hạn nếu NH trả chậm 2-3 ngày, sẽ bị phạt lãi từ 1%, 2% đến 3%/năm, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. “Khách hàng nhận được lãi cao, nói gì và thỏa thuận như thế nào họ chẳng chịu?” - ông chia sẻ.
Lãi suất cho vay tăng cao
Với LS huy động ở mức cao, LS cho doanh nghiệp vay cũng tăng lên 18% - 19%/năm. Tuy nhiên, mức LS này còn rẻ hơn mức mà NH cho vay lẫn nhau. Cụ thể, ngày 23.12, LS trên thị trường liên NH vẫn ở mức khá cao. LS kỳ hạn 1 tuần 13,5%/năm; 2 tuần: 14%/năm; 3 tuần: 18%/năm; 1 tháng: 20%/năm; 3 tháng: 22%/năm...
Dù rằng LS cho vay ở mức cao nhưng một số NH đã tạm ngưng cho vay tại thời điểm này bởi không có tiền cho vay (số tiền huy động được chủ yếu lo các chỉ số vào thời điểm cuối năm) và chỉ số cho vay năm 2010 đã đạt.
Đặc biệt, LS cho vay tiêu dùng đã tăng mạnh trong những ngày qua, lên khoảng từ 18% - 22%/năm. So với thời điểm cuối tháng 10, LS cho vay tiêu dùng hiện nay đã tăng từ 2% - 4%/năm. Mức LS quá cao này khiến cho vay tiêu dùng cuối năm gần như bị “nghẽn”.
Dạo qua các NH có thế mạnh về cho vay tiêu dùng như ACB, LS cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp ở mức 18% - 19%/năm, cho vay tín chấp từ 21% - 22%/năm; còn SeABank LS tín chấp ở mức 21% - 22%/năm, thế chấp khoảng 19%/năm; HDBank dao động quanh mức 20%/năm.
Thông thường cuối năm, nhu cầu vay tiền ngân hàng (NH) mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô, sắm sửa các vật dụng trong gia đình thường tăng cao. Thế nhưng năm nay, tình hình ngược hẳn. Ông Bùi Tấn Tài - Phó tổng giám đốc ACB cho biết, khách hàng cá nhân đến hỏi thăm vay tiêu dùng hiện nay rất ít.
Nguyên nhân là do trước đó không lâu, các NH huy động với LS lên tới 17% - 18%/năm nên những khách hàng vay tiêu dùng trong thời điểm này đang phải gánh chịu mức lãi vay cao. Bên cạnh đó, khi cho vay mua nhà, NH phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao nên vốn cho vay đối với mua nhà (chiếm phần lớn trong cho vay tiêu dùng) sẽ chịu LS vay cao.
Anh Vũ - Thanh Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét