|
Những món hàng cứu trợ đem đến niềm vui, sự chia sẻ và giải quyết khó khăn bước đầu cho người dân. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đem hàng hóa quá hạn đi cứu trợ với mục đích đánh bóng thương hiệu; hay một số người xem đây là dịp để “thanh lý” đồ cũ trong gia đình.
Việc làm này, vô hình trung đã làm tổn thương đồng bào đang gặp khó khăn và những người làm công tác cứu trợ. Một cán bộ chuyên tiếp nhận hàng cứu trợ tại một tỉnh miền Trung tâm sự: “Chúng tôi rất vui mừng khi đón nhận những món hàng cứu trợ gửi đến giúp đỡ người dân vùng lũ. Có ngày chúng tôi nhận cả tấn áo quần, vật dụng cũ. Mặc dù là áo quần cũ nhưng nhiều người giặt ủi rất cẩn thận, rồi mới giao cho chúng tôi. Tuy nhiên, có những “món hàng” sau khi tiếp nhận, mở ra xem thì thấy toàn là áo quần cũ nát, mốc đen và có cả đồ lót… Nếu không kiểm tra trước khi phân phát thì thật có tội với người dân vùng lũ!”.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó văn phòng Ủy ban MTTQ VN tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, đơn vị này tiếp nhận hơn 120 bao quần áo cũ gửi tặng đồng bào vùng lũ. Sau đó, đơn vị tổ chức thanh lọc, phân loại, đóng gói hơn 60% số hàng; số còn lại chừng 40% quá cũ nát, sẽ thành lập hội đồng để tiêu hủy.
Theo ông Hiếu, ngoài việc vận động hàng trăm lượt đoàn viên tham gia lựa chọn, phân loại, đơn vị phải tiến hành xin kinh phí để tiêu hủy số hàng cứu trợ trên. Không biết có bao nhiêu địa phương phải xin kinh phí tiêu hủy hàng cứu trợ như vậy? Ý nghĩa của hàng cứu trợ là tấm lòng chia sẻ khó khăn với đồng bào ruột thịt. Một khi hàng cứu trợ là đồ “đồng nát” thì nó vừa là gánh nặng cho địa phương, vừa làm tổn thương người tiếp nhận…
Thiện Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét