Hé lộ đôi nét về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Thế giới - Dân trí:
Thứ Sáu, 24/12/2010 - 15:10

(Dân trí) - Các nguồn tin quân sự và chính trị Trung Quốc hôm qua cho hay, nước này có thể sẵn sàng cho vận hành tàu sân bay đầu tiên vào năm 2011, trước một năm theo dự đoán của các nhà phân tích quân sự Mỹ.


Binh sỹ Trung Quốc gác tại tàu Varyag của Nga được trang bị tên lửa hành trình tại cảng Thanh Đảo, Sơn Đông, tháng 4/2009.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ dùng tàu sân bay Varyag (của Liên Xô cũ) để đảm bảo an toàn cho con đường cung cấp dầu lửa của nước này qua Ấn Độ Dương vào Biển Đông. Nhưng để đạt được khả năng vận hành hoàn toàn nước này sẽ cần một vài năm nữa.

“Quãng thời gian vào khoảng 1/7 năm tới, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, là rất có thể”, một nguồn tin thân cận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết về thời gian hạ thủy con tàu. Người này yêu cầu được giấu tên do chương trình tàu sân bay là một trong những bí mật quốc gia lớn nhất của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.

Giới phân tích cũng đánh giá, có thể việc hạ thủy tàu sân bay Varyag vào năm tới chỉ là để huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. Song đây sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng một nhóm tàu sân bay của Trung Quốc.

Cơ quan tình báo hải quân Mỹ ước tính Varyag sẽ được hạ thủy để huấn luyện trên boong vào năm 2012 và Trung Quốc sẽ có một chiếc hàng không mẫu hạm hoạt động với đầy đủ các tính năng sau năm 2015.

Andrew Erickson và Andrew Wilson, làm việc tại Trường cao đẳng hải quân Mỹ, cho biết hoàn toàn “có thể hiểu được rằng việc nghiên cứu, phát triển, và thậm chí là sản xuất tàu sân bay... được triển khai với tốc độ nhanh, khiến giới phân tích phương Tây phải ngạc nhiên”.

Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nước châu Á thứ ba sở hữu tàu sân bay sau Ấn Độ và Thái Lan. Hiện họ phải cần cả phần cứng, phần mềm và huấn luyện phi công..

Phi công của Trung Quốc phải lĩnh hội kỹ năng cất và hạ cánh từ tàu sân bay. Họ hiện đang nỗ lực tập luyện, tuy nhiên kinh nghiệm bay vẫn còn non nớt hơn rất nhiều những “nhà tiên phong” Mỹ.

“Việc có được một tàu sân bay không có nghĩa là có trong tay khả năng sử dụng nó một cách hiệu quả. Để đạt được khả năng sử dụng hiểu quả cần có một quá trình kéo dài hàng thập niên”, Robert Karniol, một nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu tại Canada cho hay.

Được biết, tàu sân bay Varyag dài 300m và hiện đang được hoàn thiện tại một nhà máy đóng tàu của nhà nước ở thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc.

Một công ty của Trung Quốc đã mua chiếc tàu Varyag không động cơ của Ukraine vào năm 1998 với giá 20 triệu USD, với dự kiến ban đầu là chuyển nó thành một casino nổi ở Ma Cao. Song sau đó, giới chức quân sự Trung Quốc đã mua lại chiếc tàu.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết: “Varyag sẽ cho phép chúng tôi làm quen với chiến thuật trên tàu sân bay”.

Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc được cho là rất lo ngại trước khả năng củng cố hải quân lớn mạnh của Trung Quốc và việc thúc đẩy tiến độ hạ thủy tàu sân bay Varyag chắc chắn sẽ làm gia tăng thêm lo ngại.

Hồi tháng 3, Trung Quốc tuyên bố tăng 7,5% cho ngân sách quốc phòng năm 2010 lên 78,6 tỷ USD. Song Washington nghi ngờ con số thật có thể là gấp đôi. Trung Quốc cũng đang tìm kiếm mua máy bay Su-33 của Nga và đang tự chế một phiên bản “biến tấu” J-10 của riêng mình.

Varyag sẽ được đồn trú tại Hải Nam, miền nam Trung Quốc khi hoàn thiện.

Phan Anh

Theo Reuters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét