Tìm thấy một tổ tiên mới của loài người

VnExpress


Một chủng người sống tại châu Á từ vài chục nghìn năm trước đã giao phối với người hiện đại và gene của họ vẫn tồn tại tới ngày nay.
Chiếc răng hàm trên của người Hominin được tìm thấy trong hang Denisova thuộc vùng Siberia vào năm 2008.
Chiếc răng hàm trên của người Hominin được tìm thấy trong hang Denisova thuộc vùng Siberia vào năm 2008. Ảnh: Nature.

Vào năm 2008, trong lúc khai quật hang Denisova thuộc dãy núi Altai, vùng Siberia, Nga, các nhà khảo cổ phát hiện một mẩu xương ngón tay út và một răng hàm trên của một phụ nữ trẻ. Johannes Krause, một chuyên gia của Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck tại Đức, cùng nhiều nhà khoa học trên thế giới đã lấy mẫu ADN trong ty thể (mtADN) của mẩu xương để phân tích. Kết quả phân tích cho thấy mẩu xương thuộc về một chủng người đã tuyệt chủng từng sống ở khu vực Trung Á từ 30.000 đến 48.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu gọi chủng người này là Hominin.

Discovery cho biết, mới đây các nhà khoa học phát hiện mẫu ADN của tộc người Melanesia trên đảo quốc Papua New Guinea và một số đảo ở phía đông bắc Australia chứa 4-6% gene của chủng Hominin. Những đảo này thuộc Thái Bình Dương và cách hang Denisova gần 10 nghìn km. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature hôm 23/12.

Các cô gái thuộc tộc người Melanesia trên đảo quốc Papua New Guinea. Ảnh:
Các cô gái thuộc tộc người Melanesia trên đảo quốc Papua New Guinea. Nhiều người thuộc tộc người này mang gene của chủng Hominin. Ảnh: blogspot.com.

Giới nhân chủng học từng tìm được bằng chứng cho thấy, từ châu Phi, người hiện đại tới các châu lục khác trên hành tinh trong một đợt di cư duy nhất. Sự bành trướng của tổ tiên chúng ta khiến các chủng người khác tuyệt chủng. Vì thế, việc những người còn sống mang gene của chủng người đã mất là một điều thú vị. Nó cũng cho thấy người Hominin từng sinh sống trên khắp châu Á.

“Châu Á là lục địa mà người Neanderthal và người hiện đại sinh sống. Giờ đây chúng ta lại tìm thấy một chủng người thứ ba. Họ không phải người Neanderthal, cũng chẳng phải người hiện đại”, David Reich, một chuyên gia của Đại học Harvard tại Mỹ, phát biểu.

Chủng người Hominin tách khỏi người hiện đại trong lộ trình tiến hóa từ 270 tới 400 nghìn năm trước. Reich và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng Hominin có quan hệ gần gũi với chủng Neanderthal hơn. Neanderthal là chủng người tuyệt chủng từng sống trong các hang động tại châu Âu và khu vực Địa Trung Hải từ 30 tới 100 nghìn năm trước.

Gene của chủng người Hominin không được tìm thấy trong cơ thể người hiện đại ở các nơi khác. Điều đó cho thấy hiện tượng giao phối giữa người Hominin và người hiện đại chỉ xảy ra đối với bộ tộc Melanesia.

Minh Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét